Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ tại hội thảo khoa học phát triển Logistics TP.Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo ông Toại, từ khi kênh Quan Chánh Bố đưa vào sử dụng thì Bộ GTVT không đầu tư nạo vét luồng, cửa Định An định kỳ hàng năm nữa nên hiên nay tàu có trọng tải 5.000 tấn không thể đi vào bằng cửa này. Trong khi đó kênh Quan Chánh Bố sau thời gian ngắn khai thác đã xảy ra tình trạng sạt lở, bồi lắng rất nhanh, hiện tại đã có nhiều đoạn tàu trọng tải lớn không thể lưu thông.
Mặt khác, do đây là luồng một chiều nên khi có một tàu vào luồng thì tàu khác phải neo đậu lại để chờ mất cả ngày mới qua được đoạn kênh này. “Những bất cập trên cho thấy cả khu vực ĐBSCL hiện tại vẫn tắc đường ra biển, nếu Bộ GTVT không nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn trên thì mãi mãi logistics của khu vực chỉ quanh quẩn trong cái ao làng”, ông Toại ví von.
Theo NGND, PGS,TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM – Chủ nhiệm đề tài: “ Phát triển mạng lưới logistics TP.Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn 2030” khu vực ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của quốc gia, sản lượng hàng hóa vận tải đạt trên 100 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1% /năm.
Với địa hình có nhiều kênh rạch và trên 700 km bờ biển nên nơi đây có tiềm năng rất lớn về dịch vụ logistics. Thế nhưng trong thời gian qua vùng này có các chỉ số sản xuất kinh doanh kém hiệu quả so với cả nước, nguyên nhân chính là do chuỗi cung ứng dịch vụ logistics còn yếu, nhỏ lẻ, quản lý khai thác đơn giản, thủ tục giao nhận thường chậm trễ, phát sinh chi phí cao. Do đó việc xây dựng một trung tâm logistics cho vùng là rất cần thiết.
Với vị trí thuận lợi, kết nối giao thông thông suốt, có cảng hàng không quốc tế nên việc chọn TP.Cần Thơ để đặt Trung tâm logistics là lựa chọn tối ưu. Về mặt chủ trương, Quyết định số 1012/QĐ-TTg và Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định nhu cầu xây dựng Trung tâm logistics hạng II tại TP.Cần Thơ là cấp bách, cần thiết nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm chủ lực của vùng.
Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, trung tâm logistics đặt tại khu vực cụm cảng Cái Cui-TP.Cần Thơ là hợp lý. Trước mắt theo tính toán quy hoạch thì cần dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Ưu tiên thứ hai là tính toán đầu tư xây dựng cảng biển để đáp ứng tàu hàng rời 200 vạn tấn, tàu hàng tổng hợp container đến 100 vạn tấn để phục vụ xuất nhận khẩu hàng hóa cho vùng.