Hãng be vừa “dính” ồn ào lấy ảnh có sẵn (có vẻ rẻ tiền) để làm logo. Nhưng điều này rất… bình thường.
>>Thương hiệu đỉnh cao - “Giải ngố” về câu chuyện thiết kế Logo X (Bài 1)
Ngày 1/10, Be vừa tiến hành thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, chuyển từ một ứng dụng gọi xe thông thường thành một nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ.
Logo mới vẫn thừa kế những bộ màu sắc chủ đạo vàng - xanh của logo cũ. Màu vàng mang ý nghĩa tích cực, tượng trưng cho hạnh phúc và hy vọng. Còn màu xanh thể hiện sự cộng tác, tự tin, trạng thái ổn định, bền vững. Tuy nhiên sắc độ màu sắc trong logo mới có phần tươi sáng hơn, mang nét trẻ trung và hiện đại. Về phần thiết kế, logo mới của Be có kết cấu từ những đường tròn khép kín, phần bụng ký tự “b” và ký tự “e” phát triển, hợp lại thành hình dạng giống dấu vô cực.
Mọi chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở việc so sánh xem logo cũ hay mới là đẹp hơn, chuyện thường thấy mỗi khi có bất kỳ thương hiệu nào đó đổi logo. Thế nhưng chỉ một hai ngày sau khi tung bộ nhận diện thương hiệu mới, dân tình xôn xao việc logo của Be rất giống một stock trên Shutterstock. Khi đưa ra hình so sánh thì có thể nhận thấy logo be và stock có độ tương đồng khá lớn, đặc biệt phần chuyển tiếp và gắn kết hai ký tự “b” và “e”.
Dùng stock có sẵn không phải là chuyện hiếm với dân thiết kế. Tuy nhiên nghi án của be lại ồn ào hơn vì dù sao be cũng là một thương hiệu có tiếng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của người trong nghề, thì dù bên thiết kế logo be có dùng stock có sẵn đi chăng nữa, thì đây là việc bình thường. Bởi từ trước đến nay, có rất nhiều chiếc logo “siêu rẻ”, thậm chí tốn 0 đồng, nhưng lại từng là là bộ mặt cho những thương hiệu lớn.
Chẳng hạn Google, một trong những công ty có giá trị nhất thế giới. Năm 2017, doanh thu của Google là 89,46 tỷ USD. Thế nhưng logo đầu tiên của Google lại là một logo 0 đồng, bởi đó chính là sản phẩm tự tay Larry Page và Sergey Brin làm ra. Từ đó về sau logo Google có thay đổi thêm chút ít, chẳng hạn làm nét chữ tròn hơn hoặc cứng hơn, thay đổi màu sắc, v.v. nhưng ý tưởng chung (concept) vẫn giữ nguyên.
>>Thương hiệu đỉnh cao - “Giải ngố” về câu chuyện thiết kế Logo X (Bài 2)
Hoặc Microsoft, một công ty tỷ đô khác của làng công nghệ thế giới. Thế nhưng logo thời sơ khai của Microsoft cũng không tốn xu nào. Nó không xuất phát từ một studio thiết kế nào cả, thậm chí Microsoft cũng chẳng có nhân viên thiết kế đồ họa. Mà đó là tác phẩm của nhân viên Microsoft trong cuộc thi làm logo cho công ty.
Hay như câu chuyện của Twitter. Logo của Twitter có 2 phần, một phần là dòng chữ “twitter”, phần còn lại là một chú chim màu xanh tròn trịa đáng yêu. Hình ảnh chú chim chỉ mới được thêm vào sau này. Nhưng điều bất ngờ là chú chim này chỉ tiêu tốn của Twitter 15 USD, và mới chỉ gần đây, chứ không phải thiết kế từ lâu. Và thậm chí Twitter mua hình chú chim này trên một website thiết kế, do đó dù Twitter trả 15 USD, nhưng chủ nhân thiết kế đó chỉ nhận về 2 USD. Mặc dù vậy Twitter cũng phải chỉnh sửa một chút để được sử dụng chi tiết này trên logo của mình.
Nike cũng có một chiếc logo không tốn quá nhiều tiền. Logo của Nike xuất hiện từ năm 1971, là tác phẩm của Carolyn Davidson, khi đó còn là một sinh viên thiết kế đồ hoạ ở Portland. Với dự án tại Nike, cô được trả 2 USD/giờ. Tổng cộng cô nhận được 35 USD. Ngoài số tiền khá rẻ cho một logo mà sau này trở nên cực nổi tiếng này, sự thực khiến nhiều người bất ngờ là nhiều khách hàng của cô không quá thích sản phẩm này. Nhưng cuối cùng, Nike đã cùng đôi cánh này trở thành một trong những thương hiệu có giá trị nhất thế giới.
NHƯ VẬY LÀ
Những câu chuyện ở trên cho thấy được rằng mục đích cao nhất của logo là để nhận diện. Miễn sao hợp pháp và giúp thương hiệu có độ nhận diện thì đó là một logo thành công, không quan trọng dùng ảnh stock hay thuê nhân viên rẻ hay đắt.
Có thể bạn quan tâm