Gặp nhiều rủi ro trong quá trình đánh bắt thủy hải sản, phải thế chấp nhà cửa để tiếp cận nguồn vốn giải ngân đóng tàu theo Nghị định 67 (tàu 67) khiến nhiều ngư dân loay hoay với bài toán trả nợ.
Thậm chí, nhiều chủ tàu hiện nay trên địa bàn Nghệ An không còn khả năng để trả nợ vì nguồn thu bấp bênh, dịch dã liên miên và nhiều hệ lụy phát sinh khác khiến nguy cơ “vỡ trận” vốn vay đóng tàu 67 hiện hữu trong tương lai gần.
Loay hoay “mắc cạn” trong nợ nần
Theo thống kê thì trên địa bàn Nghệ An hiện nay có 104 tàu (tàu vật liệu vỏ gỗ 90 tàu, vỏ thép 9 tàu, vỏ Composite 5 tàu) với tổng công suất máy chính theo thiết kế là: 83.832 CV được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Tổng nguồn vốn tính đến hết quý I/2021 đã giải ngân cho ngư dân là chủ tàu nói trên được 860 tỷ đồng.
Những chiếc tàu được sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67/2014/2021 trên địa bàn Nghệ An đã góp phần rất lớn trong việc bám biển, vươn khơi, tạo “cột mốc sống” chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Nhờ đổi mới công nghệ, tăng công suất nên các tàu đóng mới theo Nghị định 67 cũng có thể bám biển dài ngày ở những ngư trường vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta.
Tuy nhiên, trong tổng số 104 tàu đóng mới theo Nghị định 67 thì hiện nay mới chỉ có 31 tàu hoạt động hiệu quả, có nguồn thu kết dư để trả lãi cho ngân hàng. Còn các tàu còn lại phần lớn hoạt động không hiệu quả, cầm chừng để duy trì.
Thậm chí, thống kê từ phía ngân hàng thì hiện nay Nghệ An có 51 chủ tàu/khách hàng đang nằm trong diện nợ xấu với số tiền 366,6 tỷ đồng…
Lý do dẫn đến tình trạng nói trên là trong quá trình vận hành tàu 67, nhiều ngư dân đi biển về không có lãi vì sản lượng đánh bắt không đạt hiệu quả. Hoặc khi đánh bắt hải sản về gặp thị trường ế ấm khiến thu không bù được chi nên nhiều tàu trượt dài trên con đường nợ nần.
Đại dịch COVID -19 cũng tác động không nhỏ tới hoạt động tham gia đánh bắt và tiêu thụ hải sản của ngư dân. Đặc biệt, thói quen truyền thống bao đời đánh bắt thủy sản theo mùa trăng - mùa biển cũng khiến nhiều tàu 67 bị động, không thể cân đo được chính xác ngư trường nào nhiều cá, vùng biển nào lắm tôm, mực…
Tâm lý “đâm lao thì phải theo lao” nên nhiều tàu 67 càng đi biển càng nợ. Trong khi lãi suất đến hạn mà ngân hàng quy định thì bắt buộc phải thanh khoản khiến nhiều tàu lao đao.
Ngư dân cần “phao” trợ giúp
Đại diện ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết, hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã có 6 tàu đã bàn giao xử lý tài sản dư nợ 39,3 tỷ đồng.
Và, con số này còn có thể tăng thêm nữa nếu như hoạt động đánh bắt thủy hải sản của tàu 67 ở Nghệ An vẫn phải loay hoay với bài toán làm ăn kém hiệu quả như trong thời gian qua.
Đáng quan tâm là chính sách bảo hiểm cho tàu 67 hiện nay đối với chủ tàu dân đang bị bỏ rơi khiến nguồn tài chính bảo trợ cho vấn đề rủi ro khi tham gia đánh bắt trên biển gần như chỉ biết trông chờ vào tự lực cánh sinh của từng ngư dân.
Bởi qua tìm hiểu thì hiện nay Công ty Bảo hiểm PJICO không bán bảo hiểm nữa nên nhiều ngư dân Nghệ An phải mua bảo hiểm của các công ty khác mà không hề được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như trước kia.
Mấu chốt của vấn đề này cũng phần nào khiến ngư dân tàu 67 không thể có “phao” để cứu trợ nếu rủi ro ập đến bất cứ lúc nào.
“Ngư dân chúng tôi cần được sự quan tâm của nhà nước hơn nữa trong chính sách giãn nợ cho các chủ tàu 67. Bởi nghề đi biển có đặc thù riêng, không như những ngành nghề sản xuất kinh doanh khác. Một chuyến đi biển gần nửa tháng về có thể bị lỗ, trong khi chi phí để duy trì từng đó ngày ngoài khơi xa phải lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mặt khác, nhiều tàu 67 gặp nạn trong quá trình đi biển nhưng chế độ bảo hiểm từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” – ngư dân Lê Hội Hưng ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cho biết.
Trước vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, sắp tới địa phương sẽ kiến nghị lên Bộ Tài chính và Chính phủ để sớm tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho tàu 67.
Ngoài ra, Nghệ An cũng kiến nghị Bộ Tài chính có phương án giãn thời gian trả nợ ngân hàng cho ngư dân để từng bước giúp họ giảm bớt khó khăn, yên tâm bám biển.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh vào cuộc, phối hợp với các địa phương để tìm hiểu kỹ hiệu quả hoạt động của các tàu 67 hiện nay để có giải pháp chấn chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An yêu cầu “giới nghiêm” nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ
12:44, 06/05/2021
Sở Công Thương Nghệ An đề nghị khởi tố đa cấp huy động vốn trái phép
07:30, 04/05/2021
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Vấn đề vượt biên, nhập cảnh trái phép ở Nghệ An là hết sức đáng quan ngại"
01:32, 25/04/2021
Nghệ An: Phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID -19
00:00, 23/04/2021