Lời giải của VNPay

CÁP TẦN 25/04/2024 02:00

Việc thất bại với ứng dụng gọi xe, đặc biệt của các hãng taxi là điều có thể dự đoán được. Trong đó lý do quan trọng bậc nhất là kinh phí thu hút người dùng quá lớn.

VNPay đã triển khai được dịch vụ taxi, không chỉ phát triển ổn định mà còn lọt top 10 giải thưởng Sao Khuê. Trong khi đó từ trước đến nay, các ứng dụng gọi xe, đặc biệt ứng dụng của taxi, thất bại tại Việt Nam rất nhiều.

 Gọi taxi Xanh SM trên ứng dụng VNPAY. Ảnh: VNPAY

Gọi taxi Xanh SM trên ứng dụng VNPAY. Ảnh: VNPAY

VNPay taxi là dịch vụ do VNPay triển khai. Họ kết hợp với các hãng taxi truyền thống và taxi điện như Xanh SM, Mai Linh, G7, Thăng Long, Thủ Đô, Lado, Sun Taxi, v.v. và đưa tính năng đặt xe hiển thị trực tiếp ngay trên các ứng dụng ví điện tử và ngân hàng điện tử như VCB Digibank, VietinBank iPay, BIDV SmartBanking,...

Nhiệm vụ tưởng bất khả thi

Giống như các ứng dụng gọi xe công nghệ khác, mọi thông tin về hành trình, mức giá hay tài xế đều được hiển thị cụ thể trên app ngân hàng hoặc ví điện tử. Khách hàng có thể thanh toán cước chuyến đi trực tiếp trên ứng dụng. Khi bắt tay với VNPay, các doanh nghiệp taxi có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng doanh số nhờ lượng người dùng đông đảo từ các ứng dụng ví điện tử và ngân hàng.

VNPay taxi ra mắt thành công và duy trì phong độ đến hôm nay là một điều tưởng như bất khả thi. Bởi vì tại thị trường Việt Nam, không biết bao nhiêu ứng dụng gọi xe đã phải ngã ngựa.
Cái tên đầu tiên không thể không kể đến là Uber. Dù là cái tên dẫn đầu ở Mỹ, nhưng Uber sau một thời gian cạnh tranh gay gắt với Grab đã phải chia lại thị trường và chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2018. Sau thông tin này, Phương Trang rót ít nhất 100 triệu USD vào ứng dụng Vato với hy vọng thay thế Uber. Ở thời điểm lúc Uber chuẩn bị dừng hoạt động, Vato cho biết họ đã có khoảng 8.000 tài xế đăng ký chạy. Đến năm 2019 con số này tăng lên 9.000. Thế nhưng đến nay ứng dụng này vẫn chưa có hoạt động nào đáng kể và đang bị quên lãng.

Hoặc có một ứng dụng tên Aber chào sân hồi tháng 6/2018. Aber mang những đặc điểm rất mới như không thu chiết khấu tài xế, có 6 dịch vụ khác nhau như xe máy, xe hơi, giao hàng, xe doanh nghiệp,... Thế nhưng tương tự Vato, Aber cũng chẳng hiếm khi được nhớ tên. Các thương hiệu taxi như Thành Công, Mai Linh, Vinasun,... cũng tham gia vào con đường làm ứng dụng, nhưng tình trạng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu, với lượt tải về thấp, khách hàng ít sử dụng, chỉ quen vẫy trực tiếp trên đường hoặc gọi qua tổng đài.

Liên tiếp các thất bại cùng với sự “vững chân” của vài ông lớn trên thị trường gọi xe khiến người ta tưởng rằng, làm một dịch vụ gọi xe thành công là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

 Các doanh nghiệp taxi có cơ hội mở rộng thị trường nhờ lượng người dùng đông đảo từ các ứng dụng ví điện tử.

Các doanh nghiệp taxi có cơ hội mở rộng thị trường nhờ lượng người dùng đông đảo từ các ứng dụng ví điện tử.

VNPay giải bài toán cách nào?

Trên thực tế, việc thất bại với ứng dụng gọi xe, đặc biệt của các hãng taxi, là điều có thể dự đoán được. Trong đó lý do quan trọng bậc nhất là kinh phí thu hút người dùng quá lớn.
Những ứng dụng gọi xe công nghệ lâu đời đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian để thu hút khách hàng. Chẳng hạn Grab đã tung khuyến mãi không ngừng để lôi kéo người dùng sử dụng ứng dụng của mình. Không chỉ vậy, họ còn tích hợp rất nhiều dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn, đặt vé,... Điều này khiến khách hàng sử dụng ứng dụng của họ nhiều hơn, khiến khách hàng khi nghĩ đến việc gọi xe là nhớ đến Grab.

Khi đã không thể bỏ chi phí và công sức lớn như Grab, các ứng dụng taxi khó lòng cạnh tranh về thị phần, dẫn đến số người dùng ít hơn. Khách ít kéo theo số lượng tài xế ít. Và tài xế ít thì ảnh hưởng đến trải nghiệm đặt xe, khiến khách hàng không hài lòng. Vòng luẩn quẩn ấy khiến việc triển khai một ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Grab là nhiệm vụ bất khả thi.
Thế nhưng với trường hợp của VNPay, họ đã giải quyết khá tốt bài toán nan giải này. Về phía tài xế, ứng dụng VNPay Taxi có nguồn tài xế khổng lồ vì họ kết nối với hơn 170 hãng taxi. Sự dồi dào này sẽ cải thiện rất lớn khả năng tìm tài xế của các cuốc xe, giúp trải nghiệm người dùng mượt mà hơn. Không chỉ vậy, kết hợp với nhiều hãng taxi cũng giúp VNPay Taxi phủ sóng ở nhiều địa phương, chứ không chỉ gói gọn trong một vài thành phố lớn.

Về phía giáo dục người dùng, VNPay Taxi có cơ hội tiếp cận với lượng người dùng khổng lồ, lên đến 40 triệu người, khi dịch vụ gọi xe này xuất hiện trên các ứng dụng cực kỳ phổ biến như ví điện tử VNPay hoặc các ứng dụng ngân hàng điện tử.

Với việc kết hợp thành công hai yếu tố này, trở thành cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp taxi, ngân hàng và người dùng, VNPay Taxi đã trở thành một ứng dụng gọi xe taxi hiếm hoi có thể sống tốt tại Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với Grab. Sự thành công này của VNPay Taxi cũng có thể là công thức đáng học hỏi của những đơn vị muốn tiến vào thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Tích hợp dịch vụ gọi taxi xanh SM trên ứng dụng ngân hàng và ví VNPAY

    Tích hợp dịch vụ gọi taxi xanh SM trên ứng dụng ngân hàng và ví VNPAY

    11:56, 16/09/2023

  • Khi taxi truyền thống lên ứng dụng VNPAY

    Khi taxi truyền thống lên ứng dụng VNPAY

    04:10, 24/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lời giải của VNPay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO