Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đang phải đối mặt với một thách thức lớn như khan hiếm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án phát triển. Đặc biệt là các KCN mới và mở rộng.
Tình trạng này không chỉ gây chậm trễ tiến độ thi công mà còn đội chi phí đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và thu hút vốn FDI của tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư chiến lược, với hệ thống khu công nghiệp (KCN) phát triển mạnh mẽ từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ đầu tư hạ tầng, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp cũng tăng cao chưa từng có.
Theo một số doanh nghiệp cung cấp vật liệu san lấp cho biết: Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp tại Quảng Ninh. Đầu tiên, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp tăng vọt do tỉnh Quảng Ninh đang đồng loạt triển khai hàng loạt dự án hạ tầng lớn và các KCN trọng điểm. Các KCN như KCN Sông Khoai, KCN Amata Hạ Long, KCN Bắc Tiền Phong… đều có quy mô lớn, đòi hỏi lượng vật liệu san lấp khổng lồ để tạo mặt bằng.
Thứ hai, nguồn cung cấp vật liệu san lấp truyền thống đang dần cạn kiệt hoặc bị hạn chế khai thác. Quảng Ninh trước đây phụ thuộc vào các mỏ đất đồi, cát tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức trong quá khứ đã làm suy thoái môi trường, và các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường ngày càng chặt chẽ hơn, khiến việc cấp phép khai thác mới trở nên khó khăn. Nhiều mỏ đã đóng cửa hoặc bị hạn chế công suất.
Thứ ba, vấn đề vận chuyển và cước phí logistic cũng góp phần làm tăng chi phí và khó khăn trong việc đưa vật liệu từ nơi khác về. Với đặc thù địa hình của Quảng Ninh, việc vận chuyển vật liệu từ các tỉnh lân cận hoặc từ các mỏ xa tốn kém cả về thời gian và tiền bạc, làm giảm tính khả thi của các phương án thay thế.
Theo thống kê, để đáp ứng tiến độ cho các KCN đang và sắp triển khai trên toàn tỉnh, Quảng Ninh cần hàng chục triệu mét khối đất san lấp mỗi năm. Trong khi đó, số lượng mỏ đất được cấp phép hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí đầu tư dự án.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại, vật liệu san lấp khan hiếm và giá thành cao sẽ khiến cho tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN tăng cao so với quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thiếu nguồn vốn.
Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong có tổng nhu cầu vật liệu san lấp khoảng 35 triệu m3. Hiện dự án mới chỉ có khoảng 5,8-6 triệu m3 vật liệu được san lấp. Nguồn vật liệu (đất) này chủ yếu được lấy từ dự án Công viên nghĩa trang Quảng Yên do Công ty Minh Phúc cung cấp và một phần cát lấy từ các mỏ ở Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ.
Với con số thống kê như vậy, KCN Bắc Tiền Phong vẫn còn thiếu 29 triệu m3 vật liệu thì mới có thể hoàn thành việc san lấp toàn bộ diện tích được quy hoạch (gần 1.200ha). Trong khi đó, nhu cầu các nhà đầu tư thứ cấp đề nghị được đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong đang có xu hướng tăng cao do sự chuyển dịch đầu tư của các đối tác nước ngoài vào Việt Nam.
KCN Sông Khoai cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự khi nhu cầu nguồn vật liệu san lấp của KCN mới chỉ đáp ứng được từ 4,5-5 triệu m3, còn thiếu khoảng 10 triệu m3 vật liệu san lấp trong thời gian tới.
Trước mục tiêu, kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong của chủ đầu tư DEEP C Quảng Ninh, KCN Sông Khoai của chủ đầu tư Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định việc rà soát, cập nhật quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là giải pháp then chốt. Tỉnh đã giao Sở NN&MT tỉnh phối hợp với các địa phương xác định rõ vị trí, trữ lượng các mỏ đất có thể khai thác phục vụ san lấp, ưu tiên cho các khu công nghiệp trọng điểm.
Hậu quả và tác động
Tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trực tiếp nhất là chậm tiến độ các dự án KCN. Việc thiếu vật liệu khiến công tác san lấp mặt bằng bị đình trệ, kéo theo chậm trễ trong việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và đi vào sản xuất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch của nhà đầu tư mà còn làm mất đi cơ hội thu hút thêm các dự án mới.
Thứ hai, chi phí đầu tư bị đội lên đáng kể. Khi nguồn cung khan hiếm, giá vật liệu san lấp bị đẩy lên cao. Các nhà đầu tư và chủ dự án phải chi trả nhiều hơn cho cùng một lượng vật liệu, làm tăng tổng mức đầu tư ban đầu. Điều này có thể khiến một số dự án kém hấp dẫn hơn, hoặc thậm chí khiến nhà đầu tư phải cân nhắc lại quyết định đầu tư vào Quảng Ninh.
Thứ ba, tình trạng này còn dẫn đến nguy cơ khai thác trái phép vật liệu san lấp, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và an ninh trật tự. Khi nhu cầu lớn mà nguồn cung chính tắc không đủ, một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng để khai thác "chui", gây sạt lở, mất cân bằng sinh thái.
Ông Nguyễn Minh Sơn - Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đang triển khai rà soát, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 10 khu vực mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh. Khi các khu vực này được xác định giá đất, sẽ triển khai ngay việc đấu giá, từ đó có nguồn vật liệu san lấp cho các dự án có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch các mỏ khai thác đất đã có, cái khó lớn nhất hiện nay đang gặp phải đó là xác định đơn giá đất để thực hiện đấu thầu, đấu giá thu tiền sử dụng đất. Hiện các mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh rất ít vì thủ tục cấp phép phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và cơ chế, chính sách luôn có sự thay đổi. Từ đó, trong thời gian tới, tỉnh cần sớm chỉ đạo rà soát các văn bản mới được ban hành, chỉ đạo rút ngắn thời gian, minh bạch hóa thủ tục cấp phép và xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn vật liệu từ các mỏ đã được quy hoạch; đồng thời siết chặt quản lý khai thác trái phép, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý.
Bên cạnh khai thác từ các mỏ truyền thống, tỉnh cũng đang khuyến khích các chủ đầu tư hạ tầng KCN nghiên cứu tận dụng phế thải công nghiệp sau xử lý như tro bay, xỉ nhiệt điện tại các nhà máy trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực Cẩm Phả, Đông Triều trước đây; sử dụng nguồn cát tận thu tại các dự án nạo vét luồng lạch tại Đặc khu Vân Đồn.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ. Một là, rà soát, đánh giá lại tổng thể các mỏ vật liệu san lấp hiện có và tiềm năng trên địa bàn. Đồng thời xem xét việc cấp phép khai thác các mỏ mới có kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Hai là, khuyến khích và ưu tiên sử dụng các vật liệu thay thế như xỉ than, đất đá thải mỏ từ các hoạt động khai thác than, vật liệu tái chế từ phá dỡ công trình.
Đây là hướng đi bền vững, vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa xử lý được rác thải công nghiệp. Ba là, quy hoạch và tổ chức các khu vực tập kết vật liệu san lấp một cách khoa học, hợp lý để tối ưu hóa công tác vận chuyển và giảm chi phí logistics.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh để khai thác nguồn vật liệu từ các địa phương lân cận nếu khả thi, đồng thời có cơ chế điều phối rõ ràng. Việc giải quyết dứt điểm bài toán khan hiếm vật liệu san lấp là yếu tố then chốt để Quảng Ninh tiếp tục giữ vững đà phát triển, hoàn thành các mục tiêu chiến lược và duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.