Trả cổ tức bằng cổ phiếu không mang lại nhiều lợi ích thực sự cho nhà đầu tư, vì bản chất không phát sinh thêm dòng tiền mới, trừ khi doanh nghiệp đang “ăn lên làm ra”.
Bản chất của trả cổ tức bằng cổ phiếu là chia tách cổ phiếu, điều thường thấy ở những doanh nghiệp có giá cổ phiếu quá cao. Nguồn chia cổ tức là phần lợi nhuận giữ lại sẽ được bổ sung vào vốn điều lệ, giúp Cty tăng vốn.
Lợi gần như không
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, và cho đến gần giữa năm 2018, nhiều doanh nghiệp lớn đua nhau trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, CTCP Transimex (TMS) trả 25%, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) 13%... Mức trả lớn có CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với 50%, CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom – FOX) hay CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) trả đến 70%.
Tỷ lệ trả cổ tức càng cao thì nhà đầu tư càng nhận được nhiều “giấy”. Số “giấy” này thực sự có giá trị hay không còn tùy thuộc vào ban lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng số lợi nhuận giữ lại chuyển sang vốn điều lệ kia có hiệu quả hay không.
Các nhà đầu tư có thể sẽ bị thiệt nhãn tiền khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá, nhưng giá áp dụng cho cổ phiếu trả cổ tức vẫn bằng mệnh giá.
Một số nhà đầu tư cho rằng, với những cổ phiếu có thị giá cao thì nhận cổ tức bằng cổ phiếu có lợi hơn tiền mặt. Điều này chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, dù được số cổ phiếu nhiều hơn nhưng giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng, bản chất cũng như cũ. Một số trường hợp, việc trả cổ tức chỉ nhằm qua mặt nhà đầu tư về dòng tiền yếu kém của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhiều năm trả cổ tức bằng cổ phiếu liên tục. Cái lợi duy nhất của hình thức trả cổ tức này có lẽ giúp nhà đầu tư “né thuế”.
Lợi lộc gần như không có nhưng nhận cổ tức bằng cổ phiếu khiến nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro hơn khi nhận tiền mặt. Chẳng hạn cổ phiếu đang có xu hướng điều chỉnh giảm giá nhưng phải chờ 1-2 tháng cổ phiếu mới về tài khoản. Đến khi cổ phiếu về, nhà đầu tư có nguy cơ bị thiệt lớn. Ngoài ra, nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu dưới mệnh giá thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại. Bởi trên danh nghĩa, nhà đầu tư nhận cổ phiếu hạch toán theo mệnh giá 10.000 đồng/cp, nhưng thị giá thấp hơn.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư – Cty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng trả cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm hiện nay cũng khá hợp lý. “Từ tháng 4/2018 đến giờ, thị trường có đi xuống chút ít nhưng không đáng kể. Trong thị trường giá lên, tiềm năng tăng giá cổ phiếu giúp nhà đầu tư vui hơn khi nhận thêm cổ phiếu từ cổ tức”, ông Dũng nhận xét.
Miễn là doanh nghiệp hoạt động tốt
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp khiến cổ đông năm nào cũng hào hứng chờ cổ tức bằng cổ phiếu, như Vinamilk (VNM). Trong khoảng 10 năm qua, hầu như năm nào Vinamilk cũng đều đặn chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu. Nhờ kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu VNM luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn. Điều này giúp khoản đầu tư của cổ đông liên tục tăng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp như Vinamilk không nhiều.
Trong năm 2018, cũng có một số cổ đông mong chờ cổ tức bằng cổ phiếu như ở Vinamilk, đó là nhóm cổ đông của các ngân hàng. Sau quá trình tái cơ cấu kéo dài, hoạt động kinh doanh các ngân hàng khởi sắc trở lại và giá cổ phiếu cũng tăng theo.
Đa số các ngân hàng đều công bố trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn LienVietPostBank chi trả cổ tức 15%, VPBank trả cổ tức 31,25% và thưởng cổ phiếu 36% nữa. Với kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng trở lợi thời hoàng kim, việc nhận thêm cổ phiếu sẽ giúp cổ đông có cơ hội gia tăng tài sản, phần tăng thêm này có thể cao hơn khoản tiền mặt nhận được. Trong khi đó, khoản đầu tư này cũng sinh lợi tốt hơn so với đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Theo ông Phan Dũng Khánh, trả cổ tức bằng cổ phiếu vừa làm mát lòng cổ đông, vừa giúp các ngân hàng tăng vốn để đảm bảo các yêu cầu quản lý rủi ro của NHNN, nhất là đáp ứng chuẩn Basel II.
Về góc độ nhà đầu tư, ông Khánh cho rằng không mong nhận được cổ tức dù là tiền mặt hay cổ phiếu. Theo ông, miễn sao doanh nghiệp làm ăn hiệu quả để giúp giá cổ phiếu tăng là có thể làm hài lòng cổ đông rồi.
Chẳng hạn như với Cty thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Amazon, giá cổ phiếu AMZN của Cty này niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ) tăng liên tục nhưng cổ đông chưa từng nhận được khoản cổ tức nào từ khi Cty thành lập năm 1994 đến nay.