Theo Shark Hưng, muốn khởi nghiệp thành công cần định nghĩa thế nào là thành công trước. Thành công không có công thức và mỗi người phải tự tìm công thức cho chính mình.
Theo báo cáo do cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố có tên “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019”, bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ra đời từ năm 2004, khi IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường.
Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển 3 đợt: làn sóng đầu tiên (2004 – 2007); làn sóng thứ hai (2007 – 2010); và làn sóng thứ ba (2011 đến nay). Trong làn sóng thứ ba, Austrade nhận xét Việt Nam đã tăng trưởng “phi mã” về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.
Nổi tiếng sau khi tham gia 3 mùa Shark Tank, Shark Phạm Thanh Hưng- Phó chủ tịch Cengroup thường nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ. Trong làn sóng khởi nghiệp thứ 3 hiện nay, không hiếm bạn trẻ nhiều ý tưởng, đam mê khát khao khởi nghiệp nhưng cũng không ít người mang trong mình ảo tưởng. Sau đây là 3 câu hỏi được quan tâm nhiều nhất và câu trả lời của Shark Hưng cách đây không lâu trong chương trình Café Khởi nghiệp.
- Em/cháu rất muốn khởi nghiệp, Shark chỉ cho em phải làm như thế nào?
Thực sự những câu hỏi này rất khó để trả lời. Chúng ta phải định nghĩa thế nào là thành công. Thành công là điều chúng ta đạt được mong muốn của mình, đơn giản thế thôi. Chứ không phải thành công là trở nên rất giàu có, đứng ở top trên của xã hội. Thành công không có công thức và mỗi người phải tự tìm công thức cho chính mình. Nếu có một công thức nào đó để thành công thì cả nhân loại đã thành công thay vì chỉ có một số ít người thành công.
Như một lần tôi chia sẻ, đầu tiên bạn phải biết mình muốn gì đã trước khi hỏi câu hỏi tiếp theo. Biết mình muốn gì sẽ định hướng mục tiêu của chúng ta trong cuộc sống vì vậy câu hỏi đó là câu hỏi khó trả lời nhất. Chưa bao giờ tôi có câu trả lời hài lòng tất cả các bạn cả, tùy từng trường hợp cụ thể, tình huống cụ thể mới đưa ra lời khuyên được.
Nhưng nếu đưa ra lời khuyên chung cho tất cả các bạn thì tôi muốn nói rằng thành công là một sự nỗ lực, một quá trình chứ không phải một sớm một chiều chỉ cần nghe một lời khuyên hay nghe một ai đó hoặc chỉ có nguồn vốn là thành công được. Điều tôi luôn nhắc đi nhắc lại là suy nghĩ là cần thiết nhưng hành động mới là quan trọng vì vậy nên các bạn cứ hành động đi rồi sẽ tìm ra công thức thành công cho mình.
- Em muốn khởi nghiệp, làm chủ bản thân nhưng không giỏi điều gì thì bắt đầu từ đâu?
Nếu đúng như tôi định nghĩa thì không phải bạn nào cũng có tố chất của người khởi nghiệp. Nếu các bạn không nhìn thấy ý tưởng nào cụ thể, năng lực nào đặc biệt của bản thân, nguồn lực nào để triển khai ý tưởng của mình thì tôi khuyên các bạn từ từ đã. Hãy lập nghiệp, đi làm thuê đi đã đến khi nào chúng ta có tích lũy về kinh nghiệm, kiến thức, nguồn lực thì mới bắt đầu khởi nghiệp.
Các bạn gửi cho tôi rất nhiều ý tưởng cho rằng vĩ đại, làm thay đổi thế giới. Thậm chí các bạn nói rằng với ý tưởng này tôi có thể xóa sổ các thương hiệu như Apple hay xóa sổ Quỹ tiền tệ quốc tế vì tôi đã có những đồng tiền này mua bán trao đổi nhưng thực ra tư duy của các bạn quay về thời nguyên thủy trao đổi lấy búa lấy rìu, hàng đổi hàng. Những ý tưởng đó tôi cho rằng thiếu tính thực tiễn. Khởi nghiệp phải từ cái gì đó chứ không thể khởi nghiệp từ không có gì được. Nếu các bạn hỏi tôi không có gì cả mà muốn khởi nghiệp thì tôi khuyên là không nên khởi nghiệp.
- Thử thách lớn nhất của mỗi người chúng ta là hiểu mình, biết mình muốn gì. Theo Shark làm sao để tìm ra được cái mình muốn và hiểu mình?
Theo tôi muốn thành công được chúng ta cần kết hợp của 3 yếu tố như 3 vòng tròn, sự giao thoa của 3 vòng tròn càng lớn thì khả năng thành công càng cao. Vòng tròn 1 là năng lực. Năng lực con người ta có rất nhiều khía cạnh. Có nhiều học giả, nhà khoa học tạm thời thống kê đưa ra 7 lại hình thông minh của con người.
Lâu nay chúng ta thường đưa ra loại thông minh duy nhất là thông minh logic, thông minh học thuật nhưng thật ra trong xã hội có 7 loại trí tuệ thông minh. Ví dụ thông minh không gia thì giỏi về kiến trúc, xây dựng. Thông minh âm thanh có thể trở thành nhạc sỹ, ca sỹ. Trí thông minh của chúng ta ở lĩnh vực nào cao nhất, ở trong lĩnh vực đấy chúng ta cảm thấy có ưu thế vượt trội hơn người khác, nhanh hơn người khác qua thực tiễn và qua trải nghiệm bản thân.
- Vùng thứ 2 gọi là đam mê. Đam mê ở đây mang tính khát khao, muốn làm điều đó mãnh liệt, bằng được, rất mạnh mẽ. Chúng ta có được khát khao thế không?
Vòng thứ 3 là đam mê, năng lực của chúng ta có mang lại ý nghĩa gì, giá trị gì cho cộng đồng, nhân loại, khách hàng không? Nếu đam mê này không có ý nghĩa thì không thiết thực. Vòng tròn này gọi là hiệu quả.
Nếu chúng ta xác định được đâu là năng lực, đâu là đam mê khát khao, đâu là hiệu quả mang lại cho xã hội, tìm được giao thoa thì khả năng thành công của chúng ta càng cao.