Trong khi nhiều lĩnh vực đang khó khăn do tác động của thanh khoản, lãi suất và tỷ giá thì ngành phân bón lại đạt con số xuất khẩu ấn tượng.
>>>Phân bón sẽ thiết lập mặt bằng giá mới
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên xuất khẩu phân bón cán mốc sản lượng 1,7 triệu tấn với tổng giá trị trên 1 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra. Những tháng gần đây, tình hình kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động bất lợi khiến sản xuất của doanh nghiệp khó khăn do chi phí tăng thêm nhưng thực tế này không tác động nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh cũng như mục tiêu xuất khẩu của ngành.
Thậm chí, Hiệp hội còn kiến nghị cho tăng xuất khẩu phân bón bởi sản lượng sản xuất đã vượt cầu tiêu dùng trong nước; đồng thời Hiệp hội cũng kiến nghị sửa đổi về thuế để giảm giá phân bón cho người nông dân.
“Ở tầm vĩ mô, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương về vấn đề tỷ giá năm 2022 là thành công so với các năm trước. Mục tiêu đề ra để kiềm chế lạm phát về cơ bản đã đạt được, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khá thấp so với thế giới” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết thêm.
Với riêng ngành phân bón, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Trung ương có tác động 2 mặt. Thứ nhất, phân bón là ngành sản xuất phụ thuộc đầu vào là một số nguyên vật liệu nhập khẩu. Giá đầu vào cho sản xuất phân bón bị tăng lênkhiến giá thành sản xuất tăng, tác động trực tiếp và làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, đáng mừng là nông nghiệp đã xuất siêu trong năm 2022 và mục tiêu xuất khẩu đã đề ra là 50 tỷ USD có khả năng thành hiện thực. Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá không tác động mạnh lắm tới lĩnh vực phân bón góp phần để ngành hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu 1,7 triệu tấn phân bón với giá trị trên 1,5 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu phân bón đạt 160 nghìn tấn, tương đương 87 triệu USD. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,5 triệu tấn với kim ngạch gần 973 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu này, sau 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 73% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.
Dư địa cho xuất khẩu cho ngành phân bón trong thời gian tới còn khá lớn. Theo tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, sản xuất phân bón trong nước hiện nay đã đạt xấp xỉ 30 triệu tấn, khả năng ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 11 triệu tấn. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, bền vững kéo theo cơ cấu sử dụng phân bón cũng thay đổi. Như vậy, trong 30 triệu tấn phân bón có những loại đã dư thừa sẽ tiếp tục dư thừa, có những loại cần tiếp tục sản xuất để phục vụ nhu cầu phát triển xanh, sạch, bền vững. Sản lượng dư thừa rất cần khuyến khích để xuất khẩu.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón đánh giá trong điều hành tỷ giá thời gian qua, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng tăng trong điều kiện như năm nay, với tốc độ như năm nay thì e ngại rằng đang có tác động ngược lại đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“Các doanh nghiệp nông nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận các nguồn vốn cực kỳ khó khăn, nhất là vốn phục hồi kinh tế. Chúng tôi được biết có những doanh nghiệp đi vay nóng để xử lý những vấn đề tiền lương, sản xuất cho thấy doanh nghiệp đang rất khó khăn” - ông Nguyễn Trí Ngọc nói.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Trung ương cần xem xét điều chỉnh lãi suất. Mục tiêu kiềm chế lạm phát đã thành công nhưng tiếp tục với cơ chế lãi suất như hiện nay lại đang làm khó cho các doanh nghiệp. Chúng ta cần xem xét thêm mục tiêu phục hồi kinh tế, muốn phục hồi kinh tế thì phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn.
Có thể bạn quan tâm