Hiện đã có một số nhà băng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 với con số lợi nhuận vô cùng khả quan. Thế nhưng, điều mà giới chuyên môn lo ngại chính là con số lãi dự thu tiếp tục tăng cao.
Lợi nhuận tăng mạnh
Dẫn đầu về lợi nhuận có lẽ vẫn là Vietcombank khi mà nhà băng này thu về tới hơn 5.878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế ngay trong quý đầu năm nay, tăng 34,84% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là nhờ thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng 2.302 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,1%) lên gần 8.499 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 188 tỷ đồng (tăng 21,3%) lên 1.069 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 313 tỷ đồng (tăng 51%) lên 928 tỷ đồng… Với kết quả này, có thể khẳng định mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với 2018, tức đạt khoảng 20.461 tỷ đồng mà Vietcombank đề ra trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Bởi theo thông lệ nhiều năm trở lại đây, con số lợi nhuận của các nhà băng thường tăng dần trong các quý cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 14/01/2019
08:44, 12/02/2018
06:50, 18/07/2017
Thậm chí lợi nhuận trước thuế của VIB và TPBank còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong quý đầu năm. Theo đó, VIB đạt lợi nhuận trước thuế gần 810 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng gần 292 tỷ đồng (tăng 56,3%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần của VIB tăng 31,6% lên 1.385 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng 167,3% lên 348 tỷ đồng…
Trong khi tính đến hết quý 1/2019 TPB thu về gần 853 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 340 tỷ đồng (tăng 66,3%) so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng thêm 351 tỷ đồng (tăng 37,6%) lên 1.284 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng 142 tỷ đồng (tăng 190%) lên 217 tỷ đồng…
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo kinh doanh quý 1, chỉ duy nhất VPBank tăng trưởng lợi nhuận âm cho dù nhà băng này cũng thu về cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế ngay trong quý đầu năm. Theo đó, tính đến hết tháng 3/2019 ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.783 tỷ đồng, song mức lợi nhuận này vẫn giảm 31,94% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù thu nhập lãi thuần của VPBank tăng tới 978 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương đương tăng 16,83%) lên 6.785 tỷ đồng và lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 232 tỷ đồng lên gần 745 tỷ đồng, nhưng các mảng kinh doanh khác kém khả quan hơn, đặc biệt chi phí hoạt động tăng hơn 610 tỷ đồng so với cùng kỳ và trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng 552 tỷ đồng… khiến lợi nhuận của VPBank tụt giảm.
Lãi dự thu tiếp tục tăng
Thế nhưng, điều khiến giới chuyên gia băn khoăn cho dù nó có thể đang đóng góp tích cực vào bức tranh lợi nhuận “đẹp như mơ” của các nhà băng, đó chính là việc lãi dự thu tiếp tục tăng cao trong quý đầu năm.
Báo cáo tài chính quý 1 của Vietcombank cho thấy, con số lãi, phí phải thu của nhà băng này tại thời điểm 31/3/2019 gần 7.965 tỷ đồng, tức tăng thêm 556 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018. Với VPBank cũng vậy, mặc dù lợi nhuận giảm sút, song lãi, phí phải thu của nhà băng này vẫn tăng hơn 79 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm lên gần 4.507 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2019. Các khoản lãi, phí phải thu của VIB tại thời điểm 31/3/2019 hơn 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 45 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Riêng TPB có lãi dự thu sụt giảm so với cuối năm 2018. Theo đó, tại thời điểm 31/3/2019, lãi, phí phải thu của TPB chỉ là gần 1.169 tỷ đồng, giảm gần 171 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Theo các chuyên gia, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các khoản tín dụng, chứ ngân hàng chưa thu được tiền thật, tuy nhiên khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.
Hơn nữa, về nguyên tắc, các nhà băng chỉ được tính lãi dự thu của các khoản nợ thuộc nhóm 1 và phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó bắt đầu chuyển sang nhóm 2. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn để nguyên khoản mục lãi dự thu cho dù khoản nợ gốc đã chuyển nhóm, thậm chí rơi xuống nhóm nợ xấu.
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc các nhà băng làm như vậy cũng có lý do. Thứ nhất là để làm đẹp con số lợi nhuận trong báo cáo tài chính để dễ bề “ăn nói” với cổ đông. Thứ hai là để che giấu nợ xấu và giảm trích lập dự phòng rủi ro.
Vì vậy, lãi dự thu thường được xem là nguồn “lãi ảo” trong báo cáo tài chính và lãi dự thu càng lớn thì rủi ro lãi giả, lỗ thật của các nhà băng cũng tăng theo. Bởi khi con số lãi dự thu tăng lên cao hơn con số lợi nhuận thực tế thì không ít nhà băng buộc phải “nhắm mắt đưa chân” vì nếu lúc đó cắt đi khoản mục này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận lỗ và tăng nợ xấu như VietinBank hồi quý 4/2018. Theo đó, trong quý 4/2018 VietinBank đã chấp nhận lỗ trước thuế 853 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 1.390 tỷ đồng so với quý trước đó để giảm lãi dự thu tại thời điềm cuối năm về còn 6.905 tỷ đồng, giảm 8.398 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 3/2018.
Cũng chính bởi vậy tại công văn số 1968/NHNN-TTGSNH vừa được ban hành mới đây, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cũng cần thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi dự thu lớn. Điều này giúp các đơn vị kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó thu hồi, thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định.