Thương hiệu REPEET đã phối hợp với các đối tác xây dựng chuỗi cung ứng thu gom, ứng dụng công nghệ tái chế thành sơ, xợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Văng Viên Thông - CEO & Founder, thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET cho biết, là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển thời trang bền vững, REPEET tập trung khai thác nguyên liệu nội địa nên đã tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định so với việc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
- Thời trang bền vững phát triển cùng xu hướng xanh hoá ngành dệt may. Tuy nhiên, khái niệm này thường gắn liền với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ hoặc thực vật nhiều hơn là từ chai nhựa, thưa ông?
Có nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp tiếp cận thời trang bền vững. Một số thương hiệu tiếp cận bằng những nguyên liệu tự nhiên, còn chúng tôi sử dụng nguyên liệu nhân tạo.
Vải tái chế được kéo sợi từ chai nhựa PET đã qua sử dụng, qua một quy trình khép kín để trở thành sợi polyester tái chế. Rác thải nhựa, cụ thể là các chai nhựa PET đã qua sử dụng có thêm vòng đời mới, được tái chế thành sợi vải phục vụ cho ngành thời trang, có thể thay thế cho sợi polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, góp phần giảm phát thải carbon, giảm rác thải nhựa ra môi trường, tối ưu việc tiêu thụ nước trong sản xuất dệt may.
Trong suốt quá trình sản xuất, chúng tôi luôn tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn bắt buộc của ngành dệt may để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường. Hơn nữa, vải polyester tái chế là sản phẩm nhân tạo cho phép chúng ta có thể kiểm soát, điều chỉnh để tạo thêm các tính năng phù hợp với từng mục đích sử dụng thời trang.
- Giảm phát thải từ tuần hoàn chai nhựa qua sử dụng thành sợi polyester đã được “quy đổi” bằng con số cụ thể ra sao, thưa ông?
Với một chiếc áo thun từ vải 100% polyester tái chế, REPEET sử dụng khoảng 20 chai nhựa PET đã qua sử dụng (hoặc một chiếc áo thun có thành phần 60% Cotton và 40% Polyester tái chế, REPEET sử dụng khoảng 11 chai nhựa PET đã qua sử dụng), điều này giúp giảm 57% lượng phác thải CO2 và 70% lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất.
Với 10 tấn vải tái chế sẽ sử dụng gần 1,45 triệu chai nhựa PET đã qua sử dụng; trong quá trình sản xuất giảm lượng khí thải carbon ra môi trường tương đương một chiếc ô tô chạy 57.000 km, tiết kiệm 70.000 lít nước.
- Các doanh nghiệp tái chế đang tiên phong trong ngành công nghiệp mới. Những tổ chức và doanh nghiệp đi đầu thường đối mặt với thách thức. Ông có kiến nghị đề xuất ra sao với lĩnh vực này, thưa ông?
Trong bối cảnh thời trang nhanh và giá rẻ vẫn chiếm ưu thế, việc nguyên liệu tái chế và sản phẩm thời trang bền vững tiếp cận thị trường là một thách thức không hề nhỏ. Nhưng với xu hướng chuyển đổi không thể đảo ngược từ nguyên sinh sang tái sinh, cùng với nhận thức và sự chuyển đổi từ người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường và những tác động của sản phẩm đối với con người, xã hội và môi trường.
Ở REPEET, chúng tôi đã trải qua hành trình không ít khó khăn trước khi đạt được sự công nhận của nhiều đối tác uy tín trong ngành. Sản phẩm thời trang của REPEET được tin dùng và sử dụng bởi các thương hiệu thời trang, các đối tác lớn trong lĩnh vực F&B, ngân hàng, giáo dục, y tế, âm nhạc và nghệ thuật…
Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực này còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân cũng là một thách thức lớn. Nhiều người chưa có đủ thông tin về sản phẩm tái chế, dẫn đến tâm lý e ngại về chất lượng và giá trị của các sản phẩm này. Để khắc phục những khó khăn đó, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng và chính quyền địa phương, tích cực đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của sản phẩm tái chế.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững, từ đó tạo nền tảng vững chắc để phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!