Nghiên cứu - Trao đổi

Cần một khung pháp lý rõ ràng về EPR

Yến Nhung 03/07/2025 04:30

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành nghị định riêng về EPR là cần thiết, song cần có cơ chế khuyến khích cụ thể, quy định minh bạch và sát thực tiễn.

EPR là một công cụ chính sách quan trọng, góp phần định hình mô hình sản xuất có trách nhiệm thông qua việc thu hồi, tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng. Cụ thể, EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới.

tai-che-bao-bi-15173102.jpg
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng một nghị định riêng, nhằm hợp nhất các quy định liên quan đến EPR - Ảnh: ITN

Việt Nam đã tiếp cận chính sách EPR từ khá sớm, bắt đầu từ Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị năm 2004 và từng bước cụ thể hóa qua các Luật Bảo vệ môi trường các năm 2005, 2014, đặc biệt là Luật năm 2020 trong đó lần đầu tiên quy định cụ thể tỷ lệ tái chế bắt buộc và cơ chế đóng góp tài chính cho những sản phẩm khó tái chế.

Tuy nhiên, việc triển khai EPR trên thực tế vẫn gặp nhiều vướng mắc. Các quy định còn phân tán, thiếu đồng bộ; nhận thức và sự phối hợp giữa các bên liên quan còn chưa thống nhất; trong khi đó, cơ chế thực thi lại chưa đủ mạnh. Vì vậy, cần phải xây dựng một nghị định riêng, nhằm hợp nhất các quy định liên quan đến EPR, thiết kế lại cơ chế tài chính, tăng cường tính minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về EPR (Dự thảo), theo đó Dự thảo quy định rõ các đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải; lộ trình thực hiện theo từng nhóm sản phẩm, bao bì; quy định tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Đồng thời, xác định rõ một số nhóm đối tượng được miễn trừ theo nguyên tắc phù hợp với quy mô, năng lực và mức độ ảnh hưởng đến môi trường.

Về phương thức thực hiện, doanh nghiệp có thể lựa chọn tự tổ chức việc tái chế thông qua các hình thức như tự thực hiện, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian hoặc kết hợp các hình thức trên. Trường hợp không tổ chức tái chế, doanh nghiệp có thể lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Tương tự, đối với trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải, Dự thảo quy định rõ mức đóng góp tài chính, thời hạn và phương thức nộp; đồng thời đưa ra nguyên tắc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí này để đảm bảo minh bạch, công bằng, tránh thất thoát, lãng phí.

Mặc dù vậy, theo cộng đồng doanh nghiệp, một số nội dung trong Dự thảo vẫn cần được làm rõ để tránh gây khó khăn trong triển khai. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, trong Dự thảo vẫn thiếu cơ chế khuyến khích cho việc sử dụng vật liệu tái chế, đặc biệt là nhựa tái chế trong bao bì. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều vật liệu tái chế làm một cách tự nguyện. Để khuyến khích ngành công nghiệp tái chế rất cần chính sách khuyến khích, ưu đãi rõ ràng.

Ngoài ra, Điều 5 của Dự thảo quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc sau 3 năm tăng không quá 10%. Theo đại diện này, dù một số ít doanh nghiệp đã đạt hoặc vượt tỉ lệ tái chế quy định nhưng vấn đề sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá thành cao so với vật liệu nguyên sinh. Nếu không đánh giá được khả năng đáp ứng về kỹ thuật và năng lực của ngành tái chế trong nước thì việc tăng tỉ lệ tái chế bắt buộc sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.

quy-trinh-san-xuat-bao-bi-1.jpg
Theo cộng đồng doanh nghiệp, một số nội dung trong Dự thảo vẫn cần được làm rõ để tránh gây khó khăn trong triển khai - Ảnh: ITN

Đóng góp vào Dự thảo, ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam nhấn mạnh, khi lựa chọn đơn vị tham gia tái chế chất thải, cần có quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong đó, điều quan trọng là năng lực tái chế và công nghệ tái chế. Không thể vì giá thấp mà công nghệ tái chế lạc hậu lại được chọn. Đặc biệt, trong các thủ tục hành chính, không dùng cơ chế xin - cho và cũng không dùng cơ chế chia đều. Việc sử dụng kinh phí mà doanh nghiệp nộp vào để hỗ trợ hoạt động tái chế cần được giám sát cụ thể.

“Trong quá trình triển khai hoạt động tái chế, ngay từ đầu phải số hóa và công khai minh bạch trên Cổng điện tử để mọi người đều thấy được hồ sơ được xử lý, đơn vị tái chế hoạt động ra sao, dòng tiền đi như thế nào. Như vậy, các nhà sản xuất mới thấy được trách nhiệm của mình được thực thi nghiêm túc và đầy đủ”, ông Doãn nêu.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rằng Nghị định về EPR, khi được ban hành, sẽ thực sự trở thành công cụ điều phối hành vi sản xuất - tiêu dùng một cách hiệu quả và công bằng. Không chỉ là việc tuân thủ quy định, EPR còn là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên và hướng tới một mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Tuy nhiên, để điều đó thành hiện thực, Nhà nước cần không chỉ hoàn thiện khung pháp lý, mà còn phải hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực và thay đổi tư duy trong quản trị môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần một khung pháp lý rõ ràng về EPR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO