Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ EPR

Hạnh Lê 31/03/2025 02:32

Thực hiện EPR, doanh nghiệp đăng ký, kê khai kế hoạch tái chế và kê khai đóng góp tài chính trước ngày 31/3 hằng năm.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm trong tái chế và xử lý chất thải. Doanh nghiệp có thể lựa chọn tổ chức tái chế sản phẩm hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

SX bao bi
Theo quy định mới, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc nhóm bao bì được loại trừ trách nhiệm EPR

Đến ngày 1/1/2025, các sản phẩm mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải trách nhiệm tái chế là các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy, một số loại bao bì; các sản phẩm điện và điện tử. Năm 2027, sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế.

Trước đó, năm 2022, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.

Theo quy định, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký, kê khai kế hoạch tái chế và kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải là trước ngày 31/3 hằng năm. Việc đăng ký, kê khai, báo cáo thực hiện trực tuyến trên Hệ thống thông tin EPR quốc gia.

Trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế nếu lựa chọn phương án đóng tiền thay cho tự tái chế. Theo quy định mới được ban hành đầu năm nay, một số trường hợp được loại trừ trách nhiệm EPR là nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc nhóm bao bì có doanh thu dưới 30 tỷ/năm; nhà sản xuất bao bì thu gom, đóng gói bao bì đó để tiếp tục đưa ra thị trường với tỷ lệ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc…

tai che
Dây chuyền tái chế theo công nghệ bottles to bottles (từ chai ra chai) của nhà máy nhựa tái chế Duy Tân

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhìn nhận, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ hoặc chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định.

Nhấn mạnh, EPR là chính sách quan trọng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và mang lại những hiệu quả thiết thực trong quản lý rác thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết thêm: từ năm 2024, thị trường quốc tế yêu cầu một số mặt hàng xuất khẩu phải có tỷ lệ tái chế. Còn trong năm nay, các mặt hàng xuất khẩu như sắt, thép, nhôm, phân bón, xi măng… cần tăng cường tỷ lệ tái chế, xử lý chất thải.

Thực hiện EPR không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh ngày càng cao của thị trường quốc tế, duy trì xuất khẩu sản phẩm mà còn đặt nền tảng hình thành ngành công nghiệp tái chế, góp phần vào mục tiêu Netzero của Việt Nam vào năm 2050.

Thời điểm này, nhiều các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm thị trường tái chế nhiều tiềm năng của Việt Nam. Trong khi đó, không tái chế rác thải, theo thống kê sơ bộ có thể gây lãng phí khoảng 3 tỷ USD.

Lãnh đạo Cục Môi trường cho rằng, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc EPR tạo lợi thế xuất khẩu, tạo nền tảng phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời sẽ kiểm tra doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ và xử phạt hành chính với doanh nghiệp vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ EPR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO