Nửa tháng sau sự cố, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới gửi thông báo xin lỗi khách hàng và miễn phí tiền nước một tháng.
"Cuộc khủng hoảng" nước sạch của 18% dân số Hà Nội ở khu vực Tây Nam thành phố bắt đầu từ ngày 10/10. Thời điểm đó, khoảng 250.000 hộ dân sử dụng nước sạch do Công ty nước sạch sông Đà cung cấp phát hiện nước nặng mùi Clo, kèm theo đó là mùi khét lẹt như cao su cháy.
Cùng thời điểm người dân Thủ đô phát hiện nước bốc mùi khó chịu, ở phía thượng nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà, cơ quan chức năng xác định, hàng tấn dầu thải đã bị đổ xuống hồ Đầm Bài, từ một dòng suối đổ vào hồ chứa này, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất nước sạch của Công ty nước sạch sông Đà.
Đáng nói là với tình trạng nguồn nước đầu vào ô nhiễm như vậy, hàng trăm ngàn mét khối nước “sạch” vẫn được Công ty này cho "ra lò" trong những ngày đó, được bơm vào đường ống dẫn đưa về bán cho người dân Thủ đô.
Như vậy, có thể nói nước sông Đà có mùi "lạ" như vậy chỉ là "lạ" với hàng triệu người dân Thủ đô, chứ lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà đã biết nguyên nhân của việc này là do nước nhiễm dầu thải độc hại. Tuy nhiên, nhà cung cấp đã không thông báo kịp thời về sự cố cho “thượng đế” của mình. Chỉ đến buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới thông tin “dầu thải đã chảy vào nước ăn của người dân”.
Chuyện “nước bẩn” được cung cấp bởi một công ty "nước sạch" cho thấy sự vô trách nhiệm vô hạn của những người kinh doanh trong lĩnh vực này. Thật kinh hãi với cách xử lý vô đạo đức như vậy. Về mặt nào đó là sự “độc ác” với đồng loại.
"Cuộc khủng hoảng" nước sạch khiến hàng triệu người dân Hà Nội khốn đốn, hoang mang nhiều ngày liên tục.
Một doanh nghiệp dù đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại cỡ nào, thậm chí là tự động hóa hoàn toàn với những công nghệ cực cao và tinh vi như sử dụng các chip điện tử để kiểm tra chất lượng hay phần mềm quản lý toàn bộ qui trình sản xuất… thì lỗi chất lượng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là văn hóa “nhận lỗi” của các nhà sản xuất.
Ở nước ngoài thậm chí ngay cả khi nhà sản xuất phát hiện ra sản phẩm lỗi trước khi người tiêu dùng họ đã ngay lập tức thu hồi sản phẩm về. Họ cũng sẵn sàng công bố với người tiêu dùng về các sản phẩm lỗi, cập nhật các thông tin về kết quả kiểm tra, giám định, tìm ra nguyên nhân lỗi và khi nào thì sản phẩm được khắc phục.
Tuy nhiên, mặc cho người dân mong mỏi ngay từ những ngày đầu, lãnh đạo của doanh nghiệp này tuyệt nhiên không nói lời xin lỗi!.
Gần một tuần nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, trong cuộc họp báo chiều 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch sông Đà vẫn loanh quanh cho rằng, nước sạch do công ty này sản xuất ra đạt tiêu chuẩn nên doanh nghiệp vẫn sản xuất nước, bán cho người dân Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
17:48, 22/10/2019
22:01, 21/10/2019
08:46, 21/10/2019
17:30, 20/10/2019
14:09, 20/10/2019
01:22, 18/10/2019
Lật đi lật lại trách nhiệm lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà khi đó, báo giới phản ánh việc dư luận khi đó đòi hỏi những người chịu trách nhiệm đưa ra lời xin lỗi chính thức với người dân Thủ đô phải dùng nước nhiễm dầu trong gần 1 tuần. Trái với sự mong đợi của dư luận, ông Nguyễn Văn Tốn vẫn quyết "kiệm lời" xin lỗi khách hàng. Ông này chỉ lòng vòng nói về quy trình nội kiểm nguồn nước công ty sản xuất ra vì sao vẫn đạt tiêu chuẩn.
Cuối buổi họp báo, ông Tốn cho rằng, bản thân mình cũng chỉ là người làm thuê, nên nếu dừng cấp nước thì rất an toàn cho bản thân nhưng "vì cái tâm duy nhất với người dân" nên vẫn phải thực hiện việc bán nước dù trong thâm tâm ông Tốn thời điểm đó "có 80% muốn dừng cấp nước".
Thực tế, tại thời điểm đó, Công ty nước sạch sông Đà vẫn không dừng cấp nước để thau rửa bể chứa, súc xả đường ống.
Đến ngày 17/10, trong buổi họp báo tại Hòa Bình, ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà vẫn từ chối nói về trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, với lý do vụ việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra. Ông Khoa cũng từ chối thay mặt công ty này gửi lời xin lỗi đến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Động thái của cả hai lãnh đạo cao nhất của Công ty nước sạch sông Đà gây làn sóng phẫn nộ mới từ người dân khi các ông này đều từ chối xin lỗi 250.000 hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội phải dùng nước nhiễm dầu.
Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước trong sự việc này, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước) bày tỏ bức xúc: "Rõ ràng không phải bàn gì nhiều về tính chất hành vi trong trường hợp này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã không đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời với sự cố. Họ đã không nghĩ đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, không lường hết những hệ quả, tác hại gây ra".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà dùng từ "hết sức vô trách nhiệm", "thiếu hiểu biết" để khái quát về những quyết định, hành xử của lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà. Bộ trưởng bày tỏ đồng cảm với những bức xúc, phẫn nộ của người dân trong trường hợp này khi bản thân ông và gia đình cũng phải ăn uống nguồn nước ô nhiễm khi sống trong khu vực do Công ty nước sạch sông Đà cung cấp.
"Gia đình tôi cũng mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết" - Bộ trưởng TN-MT nói về tự tắc trách của doanh nghiệp cung cấp nước khi "lờ" thông tin nguồn nước bị ô nhiễm.
Sau tất cả những bức xúc đó, thực hiện lời hứa của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX Nguyễn Văn Tuấn, nửa tháng sau sự cố 250.000 hộ dân phải ăn uống, tắm giặt… nước nhiễm dầu thải, sáng sớm nay, 25/10, trên trang web của Công ty nước sạch sông Đà mới đưa ra một thông cáo báo chí thông báo doanh nghiệp đã hoàn tất khắc phục sự cố, đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại, đồng thời xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc.
Trong thông cáo phát đi, công ty Viwasupco thừa nhận "chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra", dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.
"Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chúng tôi mong muốn thông qua các cơ quan thông tin báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ", thông cáo nêu đồng thời "xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước)".
Lời xin lỗi như lời biện minh muộn màng và vô nghĩa, thậm chí thiếu văn hóa kinh doanh khi người tiêu dùng - hơn 25.000 hộ dân - đã phải dùng "nước bẩn" trong nhiều ngày.
Điều đáng nói, trong văn bản, Công ty nước sạch sông Đà đưa ra lời hứa cung cấp miễn phí nước 1 tháng cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong sự cố, tức miễn phí cho cả tuần dùng... "nước bẩn"! Một cách bồi thường không thể chấp nhận được!
Những phát ngôn cùng với sự đền bù vô cùng phản cảm, thể hiện văn hóa và đạo đức thị trường yếu kém của lãnh đạo Viwasupco. Điều này cho thấy Công ty nước sạch Sông Đà vẫn vô trách nhiệm, vẫn chưa thấy mức độ nghiêm trọng mà mình đã gây ra cho người dân. Nói cách khác, Công ty nước sạch Sông Đà đã quá coi thường dân!.
Cuộc sống bị xáo trộn thì đã rõ nhưng điều nguy hại hơn đó là sức khỏe người dân vẫn chưa thể lường hết được. Chừng đó ảnh hưởng mà chỉ được “bồi thường” bằng một tháng nước miễn phí hay sao?
Viwasupco phải bồi thường đúng và đủ cho người dân - khách hàng - chứ không chỉ là “miễn phí một tháng dùng nước bẩn” như đã thông báo!.
Thậm chí, cần phải đưa sự việc ra pháp luật để khách hàng (người dân) có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng. Thậm chí, nói như đại biểu Dương Trung Quốc: “Phải xử lý đến nơi đến chốn theo pháp luật để răn đe. Nếu để tình trạng nhờn luật, sau này người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn nữa".
Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là giữ chữ Tín, là đạo đức kinh doanh. Những doanh nghiệp chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, thiếu coi trọng chữ Tín thì hậu quả cuối cùng sẽ là hậu quả mà chính doanh nghiệp đó phải gánh chịu. Lãnh đạo Viwasupco phải hiểu hơn ai hết.