Tỉnh Long An luôn phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư bằng các chiến lược mang tính đột phá, trọng tâm và đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư.
Theo ông Trương Văn Liếp - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, tỉnh có vị trí vô cùng thuận lợi về mặt địa lý trong thu hút đầu tư khi là cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh với TP.HCM, kết nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Long An là mắt xích then chốt trong hệ thống giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, vùng và quốc tế.
Tỉnh có diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê tương đối lớn cùng với hệ thống hạ tầng đường biển, đường bộ thuận tiện, nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc đi ngang địa bàn... Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Cảng Quốc tế Long An đi vào hoạt động đã tạo ra bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.
Với phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn chung của tỉnh, Long An luôn quan tâm, lắng nghe và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước với 70,92 điểm, tăng 2,47 điểm và tăng 8 bậc so với năm 2022. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh tăng 16 bậc và đứng ở vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đây là nỗ lực lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững, phát triển nền kinh tế xanh.
“Long An có những lợi thế cạnh tranh rõ rệt, từ môi trường đầu tư thuận lợi, vị trí chiến lược đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách hành chính hiệu quả. Những yếu tố này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng sức hấp dẫn của các địa phương đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và toàn diện” – ông Trương Văn Liếp nhấn mạnh.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế tỉnh Long An từng bước phục hồi mạnh mẽ, quý sau cao hơn quý trước; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khoảng 8,3%; với tốc độ tăng trưởng này, Long An đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cơ cấu nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,82% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,08%; khu vực dịch vụ chiếm 26,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,70%. Đời sống người dân được cải thiện với GRDP bình quân đầu người đạt 107,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10,7 triệu đồng so với năm 2023.
Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 26.500 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công luôn đứng trong Top 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Trong năm 2024, tỉnh Long An đã khởi công nhiều dự án công nghiệp, thương mại có vốn đầu tư lớn như Nhà máy nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, Trung tâm thương mại Aeon, Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn; một số chỉ số thu hút đầu tư đạt kết quả tốt như số doanh nghiệp đăng ký hoạt động, số vốn đăng ký mới, vốn đầu tư trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm 2024, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài cho 104 dự án, vốn đầu tư cấp mới 507,83 triệu USD.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19.515 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 392.709 tỷ đồng; 2.250 dự án trong nước với số vốn đăng ký 474.578,3 tỷ đồng; 1.483 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký trên 14,2 tỷ USD. Tỉnh Long An cũng là 1 trong 10 địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước.
Trong thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên, có chọn lọc với mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Long An ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy mạnh phát triển dịch vụ, đặc biệt là thương mại biên giới, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 (VNR500), Vietnam Report đã chính thức công bố Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024, trong đó có tỉnh Long An.
Bảng xếp hạng của Tạp chí Vietnam Report dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Vietnam Report. Với nguyên tắc khoa học và khách quan, các địa phương được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính: số lượng doanh nghiệp lớn được vào VNR500 trong giai đoạn 2020-2024; môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, thu hút nguồn vốn FDI lớn trong giai đoạn 2023 - 2024; đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước năm 2023 thông qua thu ngân sách Nhà nước và tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn.
Theo Vietnam Report, mỗi địa phương trong danh sách Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn 2024 đều có những lợi thế cạnh tranh rõ rệt, từ môi trường đầu tư thuận lợi, vị trí địa lý chiến lược đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách hành chính hiệu quả. Những yếu tố này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng sức hấp dẫn của các địa phương đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và toàn diện.