Tại thôn Minh Thành, xã Hà Giang có một lớp học chỉ vỏn vẹn 10m2, không bảng đen phấn trắng nhưng luôn đồng đầy tình yêu thương và khát vọng ươm mầm tri thức của cô giáo Hoàng Thị Dịu.
Vượt lên nghịch cảnh
Mỗi buổi chiều, từ ngôi nhà nhỏ nằm tại thôn Minh Thành (xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) lại vang lên những tiếng đọc bài, tiếng gõ bảng của cô giáo Hoàng Thị Dịu. Hình ảnh cô gái cần mẫn bên chiếc xe lăn đã khắc sâu trong tâm trí của nhiều lứa học trò nơi đây và đã trở thành tấm gương nghị lực phi thường, vươn lên nghịch cảnh để tạo nên những giá trị tốt đẹp.
Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ quanh năm gắn với ruộng đồng, những tưởng sẽ được sống một cuộc sống bình yên thì biến cố lần lượt ập đến với Hoàng Thị Dịu. Năm 18 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, Dịu thấy cơ thể mình không giống như những cô gái khác. Chị đi khám thì phát hiện bị mắc hội chứng Kallman, đây là một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới khiến phụ nữ bẩm sinh không có tử cung, không có buồng trứng, mất đi thiên chức làm mẹ.
Cất giấu nỗi buồn vào tận sâu thẳm trong tim, chị Dịu tiếp tục cần mẫn với công việc lao công tại bệnh viện đa khoa Đông Hưng trong suốt 10 năm để phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Năm 27 tuổi, một lần nữa tai ương lại giáng xuống cuộc đời chị, chị phát hiện mình bị mắc bệnh xương thủy tinh. Từ một cô gái vốn lành lặn, khỏe mạnh thì giờ đây đôi chân của chị không thể đi lại được nữa, cả phần đời còn lại chị phải bầu bạn cùng chiếc xe lăn.
Từ ngày mất đi khả năng đi lại, chị gặp rất nhiều khó khăn từ việc đi đứng cũng như sinh hoạt cá nhân, tất cả đều phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân. Chưa kể, giờ đây cha mẹ chị cũng đã có tuổi, chẳng còn khỏe mạnh như xưa, cũng chỉ có thể đỡ đần được cho chị phần nào. Chính điều đó thôi thúc chị quay lại con đường học hành, trau dồi nâng cao giá trị bản thân.
Nỗ lực “gieo mầm” yêu thương
Trong chương trình “Nối trọn yêu thương” phát sóng trên kênh VTV1, hình ảnh chị Hoàng Thị Dịu với chiếc xe lăn trong lớp học ân cần, tận tâm với học sinh khiến người xem không khỏi cảm động và khâm phục.
Chị bắt đầu tiếp xúc với công nghệ, học hỏi qua những kênh mạng và dần bén duyên với nghề dạy học. Ban đầu, do lời ngỏ ý giúp đỡ của anh trai, chị đã nhận lời kèm cặp và chỉ dạy cho đứa cháu trong suốt khoảng thời gian hè. Cũng chính từ lúc đó, chị bắt đầu có niềm say mê với việc dạy học, chị chia sẻ rằng được giảng bài cho các em nhỏ, chị thấy như được tiếp thêm nhiều động lực để không ngừng trau dồi, làm mới bản thân. Điều đó đã thôi thúc chị mở ra các lớp học miễn phí tại nhà.
Với hy vọng sẽ giúp các em nhỏ có một khởi đầu đầy hào hứng trong quá trình học tập, chị Dịu quyết định đặt tên lớp học là “Gieo Mầm”. Cái tên cũng chính thông điệp chị mong muốn gửi đến thế hệ măng non, dù cho số phận có khắc nghiệt thế nào cũng phải thật lạc quan để vượt qua và làm nhiều việc ý nghĩa trong cuộc sống.
Lớp học ấy không bảng đen phấn trắng, không bục giảng và không học phí. Một lớp học chỉ rộng vẻn vẹn 10m2 với mấy chiếc bàn nhỏ, nhưng cứ sau khi tan học, các em nhỏ lại háo hức mang sách vở sang nhà cô Dịu để được chỉ dạy uốn nắn từng nét chữ, được cùng các bạn ngân nga những câu thơ, bài hát. Giờ đây, lớp học của chị đã có gần 10 cháu ở các lớp 1, 2, 3 theo học. Đây hầu hết là những cháu bố mẹ làm công nhân hoặc đi làm ăn xa có thu nhập thấp.
Ngoài việc dạy học, chị còn bắt đầu tìm hiểu về công nghệ, giao lưu kết bạn với những người có cùng hoàn cảnh khó khăn, để có thể chia sẻ giúp đỡ nhau. Khâm phục trước nghị lực phi thường cùng niềm đam mê học hỏi từ những trang sách của những người bạn mới, chị cũng muốn trang bị cho mình một tủ sách tại nhà vừa để chị có thể học hỏi trau dồi thêm tri thức, vừa là hoạt động giải trí mới cho các bạn nhỏ sau những giờ học căng thẳng, cũng như đáp ứng nhu cầu của các cô bác về hưu muốn tìm đọc sách. Dù hiện tại số lượng sách chưa nhiều nhưng chị vẫn mong muốn rằng, từ mô hình tủ sách của mình sẽ dần nhân lên tình yêu sách và một ngày nào đó văn hoá đọc sẽ được lan tỏa trên quê hương chị.
Lắng nghe và chứng kiến câu chuyện của chị Dịu, Đại sứ Thương hiệu Number 1 Vũ Phương Thanh bày tỏ sự khâm phục dành cho người phụ nữ khuyết tật đã vươn lên bằng nghị lực phi thường:“Những gì chị Dịu đã và đang làm mang đến cho các em nhỏ xung quanh rất nhiều giá trị, và đây cũng là nguồn động lực, cảm hứng cho giới trẻ hiện nay. Dù cuộc sống có nhiều thử thách, chông gai nhưng nếu chúng ta tin tưởng bản thân và cố gắng hết mình để tạo nên những điều tốt đẹp, thì chắc chắn may mắn và hạnh phúc sẽ mỉm cười với chúng ta”, Vũ Phương Thanh chia sẻ.
“Nối trọn yêu thương” là một chương trình truyền hình thực tế do Công ty Tân Hiệp Phát đồng hành cùng Truyền hình Nhân đạo tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những con người có nghị lực phi thường, không chỉ vượt lên số phận, nghịch cảnh của bản thân mà còn nỗ lực chung tay cùng cộng đồng xã hội giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể bạn quan tâm