Sau hơn 3 tháng kể từ ngày chính thức ra mắt tại Việt Nam ở TP HCM, mới đây, Uniqlo đã chính thức “tấn công” ra thị trường Hà Nội với cửa hàng rộng 2.500 m2, tại Vincom Phạm Ngọc Thạch…
Triết lý thương hiệu “May áo quần cho tất cả” giúp định vị các sản phẩm của Uniqlo vượt qua mọi giới hạn tuổi
tác, giới tính, chủng tộc và mọi khuôn định phân biệt người sử dụng.
Hứa và làm
Chỉ 20 năm trước đây, từ những cửa hàng thời trang khiêm tốn trên các đường phố đông đúc ở Nhật Bản, giờ đây, Uniqlo đã có những vị trí nhất định trên các đại lộ thời trang khắp thế giới.
Trái ngược với cái tên của “Uniqlo” (Unique – độc đáo), quần áo của thương hiệu thời trang này rất đơn giản, thiết yếu nhưng phổ quát, cho phép người mặc có thể tự do kết hợp chúng theo phong cách cá nhân của họ. Nhãn hiệu quần áo này mang lại hiệu suất hoạt động độc đáo nhờ vào sự đổi mới trong thiết kế với những chất liệu vải được sản xuất tại quê nhà.
Công ty phân biệt chính nó với các đối thủ cạnh tranh bằng cách xây dựng những dòng sản phẩm cải tiến như HeatTech. Đây là loại vải có khả năng biến độ ẩm thành nhiệt và có các túi khí trong vải nhằm giữ nhiệt cho cơ thể. Hay như LifeWear và UV Cut giúp ngăn chặn tới 90% tia cực tím cho người mặc. Còn AIRism là 1 loại vải mỏng có lớp vải nhanh khô bên trong…
Có hai thách thức lớn đối với bất kỳ thương hiệu thời trang nào, đó chính là “hứa và làm” phải rõ ràng và việc truyền tải thông điệp hiệu quả lời hứa thương hiệu xuyên suốt cuộc hành trình trải nghiệm khách hàng. Thương hiệu thành công là những thương hiệu có khả năng tạo ra các cấu trúc có tổ chức và hỗ trợ hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chiến lược truyền tải tốt thông điệp và lời hứa của mình.
Uniqlo đã thực sự thành công trong việc xác định rõ ràng lời hứa đó trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng cao, hiệu suất tăng cường, phổ quát, xu hướng giản dị với giá cả phải chăng. Mặt khác, hãng này cũng đã tạo ra một hệ thống phân phối mạnh mẽ để hỗ trợ đảm bảo lời hứa này.
Để mang lại sức mạnh thương lượng cao hơn với các nhà cung cấp, Uniqlo tập trung sản xuất các sản phẩm cốt lõi, đồng thời giới hạn các loại vải trong một phạm vi nhất định để có thể đặt được đơn hàng lớn, tiết kiệm được chi phí nhập hàng và đồng thời đảm bảo được lời hứa của thương hiệu “Chất lượng cao, giá tốt”.
Sáu bài học kinh điển
Từ những chiến lược kinh doanh khác biệt của Uniqlo, các doanh nghiệp có thể rút ra những bài học đáng giá.
Thứ nhất, trọng tâm thương hiệu và khác biệt giúp Uniqlo nổi bật so với các thương hiệu khác. Đây là nền tảng để hãng tạo dựng nên sự thành công trong chiến lược marketing. Hãng có triết lý trong việc sản xuất sản xuất sản phẩm của mình rất rõ ràng: “phát triển sản phẩm có chất lượng đặc biệt cao”.
Thứ hai, sự đổi mới liên thương hiệu giúp Uniqlo thân thiện hơn với khách hàng. Thay vì theo đuổi xu hướng thời trang, Uniqlo tập trung nghiên cứu và phát triển những sản phẩm tốt nhất, như HeatTech, AIRism, Lifewear...
Thứ ba, mang lại sự trải nghiệm của khách hàng. Uniqlo tự hào về nguồn gốc Nhật Bản và không ngại hiển thị. Uniqlo sử dụng khái niệm “kaizen” của Nhật Bản vào trong nghệ thuật marketing của mình, có nghĩa là tìm kiếm sự hoàn hảo liên tục và áp dụng điều này cho trải nghiệm tại cửa hàng của mình.
Thứ tư là PR thương hiệu gắn với các hoạt động cộng đồng. Một thương hiệu “sạch” trong mắt công chúng được Uniqlo tạo nên là có ý thức với xã hội và cộng đồng. Khách hàng có thể tặng các mặt hàng Uniqlo cũ để tái chế. Các vật phẩm này được thu thập và sau đó phân phối lại cho người tị nạn và những người khác đang cần trên toàn thế giới. Từ năm 2001, Uniqlo đã hợp tác với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) để cung cấp 14 triệu quần áo tái chế.
Thứ năm là tài trợ cho các vận động viên để tăng độ phủ thương hiệu. Uniqlo tài trợ cho các vận động viên đẳng cấp thế giới như một phần của chương trình Đại sứ toàn cầu của mình.
Thứ sáu là tiếp cận cá nhân hóa cho phép kết nối thương hiệu với khách hàng. Ví dụ, Twitter và Facebook là nền tảng truyền thông xã hội chính mà Uniqlo sử dụng để thu hút khách hàng ở Anh và Mỹ. Qua nghiên cứu thị trường đã cho thấy, đây là hai nền tảng mà khách hàng sử dụng nhiều nhất. Còn ở Trung Quốc, Uniqlo sử dụng Renren - một nền tảng truyền thông xã hội mà người dân địa phương sử dụng để tiếp cận người dùng và Uniqlo đạt hiệu quả vô cùng cao.