Với khoản đầu tư lên tới 8 chữ số, Lozi tham vọng sẽ tham gia vào "trận địa" gọi xe vốn đang thuộc về một số ông lớn như Grab, Be hay GoViet.
Theo KrAsia, mới đây, Lozi đã nhận khoản đầu tư lên tới 8 chữ số trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc).
Tham vọng tiến quân
Các nhà đầu tư khác tham gia vào vòng này bao gồm: Quỹ đầu tư DTNI và Ascendo Ventures cùng đến từ Hàn Quốc, quỹ JC Capital của Mỹ và vườn ươm khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley của Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Trung, CEO, đồng sáng lập Lozi, cho biết startup này đặt mục tiêu trở thành nền tảng thương mại điện tử nội thành (intra-city e-commerce platform) có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Khoản đầu tư mới sẽ giúp họ đạt được điều đó thông qua việc đẩy mạnh dịch vụ giao hàng trong một giờ.
Được thành lập vào năm 2013, Lozi ban đầu là một ứng dụng cho người dùng tìm các cửa hàng thực phẩm, đồ uống và cà phê. Năm 2015, công ty huy động thành công số tiền đầu tư 7 chữ số từ Golden Gate Ventures và công ty truyền thông internet DesignOne Japan.
Có thể bạn quan tâm
17:08, 03/08/2016
00:00, 09/06/2019
10:14, 04/04/2019
05:16, 06/03/2019
Lozi tuyên bố có 8,5 triệu người dùng, đặt mục tiêu gấp ba số lượng giao dịch hàng ngày trong 12 tháng tới và đạt doanh thu 31 triệu USD đến năm 2020.
Theo KrASIA, startup này cũng sẽ ra mắt dịch vụ Lo-xe trong thời gian tới, chính thức tham gia thị trường gọi xe đầy khốc liệt và trở thành đối thủ của Grab, Be, GoViet.
Thương vụ gọi vốn mới nhất của Lozi tiếp tục cho thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm đến các công ty công nghệ Việt Nam. Theo một báo cáo của Cento Ventures, các nhà đầu tư nước này tham gia vào 30% các thương vụ gọi vốn của startup Việt trong nửa đầu 2019.
Khó khăn chờ "tân binh"
Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường gọi xe cùng sự lớn mạnh của các hãng xe công nghệ đi trước, hẳn tham vọng của Lozi cũng không dễ dàng.
Khi trên thị trường ứng dụng gọi xe, ngoài Grab đã xuất hiện thêm nhiều đối thủ sừng sỏ như Go-Viet, FastGo. Cả hai ứng dụng gọi xe này đều có sự hậu thuẫn vững chắc về cả tài chính và công nghệ và đã có những thành công bước đầu. Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek (Indonesia) còn FastGo sau khi nhận vốn đầu tư 3 triệu USD cũng bắt đầu rục rịch cho vòng gọi vốn tiếp theo để mở rộng hoạt động sang Myanmar và Indonesia.
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất hiện nay là Grab đã phát triển sang các mảng dịch vụ khác và sẵn sàng trở thành một siêu ứng dụng. Việc Grab và Moca bắt tay để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã hoàn thành trong tháng 10 để làm bước đệm mở rộng hoạt động với nhiều hình thức dịch vụ khác.
Cả 3 ứng dụng này vẫn đang trong cuộc chạy đua “đốt tiền” để giữ chân tài xế, hút khách hàng và mở rộng hoạt động. Nếu không có tiềm lực đáng kể về tài chính, khó có ứng dụng gọi xe nào có thể trụ được trong cuộc đua.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các ứng dụng mới trong khi dung lượng thị trường gần như không thay đổi khiến các khách hàng cẩn trọng và cũng “khó tính” hơn khi lựa chọn ứng dụng gọi xe. Không chỉ lựa chọn ứng dụng có giá rẻ hay nhiều khuyến mại, người dùng cũng có các yêu cầu cao hơn trong chất lượng dịch vụ hay tài xế.
Ông Nguyễn Hữu Tuất - nhà sáng lập & Chủ tịch FastGo cho hay: "Chiếm được thị phần trong mảng gọi xe đã khó, giữ được thị phần đó còn khó hơn, vì chưa thấy dấu hiệu nào của việc có lãi với các mô hình này, nếu tăng giá hoặc phí thì bị đối thủ cướp lại ngay.
Ngoài ra, sự trung thành của khách hàng và đối tác trong lĩnh vực gọi xe cũng không cao, vì bản chất mối quan hệ này rất lỏng lẻo, không có ràng buộc về pháp lý, văn hoá, mục tiêu hay một sứ mệnh nào. Đơn giản chỉ là quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn".
Theo báo cáo mới đây của Google và Temasek, thị trường gọi xe Việt Nam hiện đã đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD, gấp đôi giá trị năm 2018. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.
Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục các ông lớn quốc tế lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be... tham gia vào thị trường này.
Mặc dù thị trường gọi xe vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, nhưng ABI Research cho rằng các nền tảng gọi xe trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao.
Trên thế giới, Uber báo lỗ khoảng 1,1 tỷ USD vào quý 1/2019 dù doanh thu tăng và lượng người dùng hàng tháng tăng. Tại Việt Nam, doanh thu của Grab năm 2018 là 2.200 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng lên đến 900 tỷ đồng.
Phía ABI Research đánh giá, các khoản lỗ lớn đang buộc các ứng dụng gọi xe phải cắt giảm chi phí khuyến mại và tặng thưởng cho lái xe. Đồng thời, điều này làm dấy lên câu hỏi: Liệu các ứng dụng gọi xe có đang tăng trưởng bền vững?