Lừa đảo “online” còn là chuyện dài kỳ

KHÔI NGUYÊN 18/02/2023 03:10

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư.,. với nhiều chiêu thức, mánh khóe mới…

>>Muôn chiêu lừa đảo tâm linh

hihihi

Cơ quan chức năng ghi nhận sự gia tăng mạnh hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua tin nhắn tuyển dụng, mời làm việc tại nhà lương cao

Theo một số liệu báo cáo cho thấy, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Tình trạng này đã diễn ra suốt một thời gian dài, nhưng các chiêu thức lại liên tục thay đổi không ngừng dẫn tới việc nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng “sập bẫy”. Các hình thức lừa đảo chủ yếu bao gồm lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Trong đó, việc đánh cắp thông tin cá nhân cũng là để phục vụ cho mục đích lên kịch bản lừa đảo tài chính. Các đối tượng đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham của nạn nhân để lừa đảo.

Điển hình những vụ án lớn mới được triệt phá như vụ Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng đã sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỉ đồng, chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Công an Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỉ đồng…

Hay như công an tỉnh Hà Tĩnh đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online, bắt giữ, triệu tập 83 đối tượng, khởi tố 41 bị can…Tình hình tội phạm công nghệ cao giả mạo tin nhắn các ngân hàng gửi đến điện thoại di động để lừa khách hàng truy cập hiện cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp, con số thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Công an quận Tân Phú phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Hình sự - PC02 - Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá một đường dây mạo danh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm đối tượng thừa nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người dân khắp các tỉnh thành trong cả nước. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, lừa đảo hơn 600 người…

Đánh giá về nguyên nhân khiến loại tội phạm này nở rộ trong thời gian dài, một số chuyên gia cho rằng, đó là do sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ cao trong thời gian qua. Các thiết bị này được nâng cấp không ngừng, lại được buôn bán dễ dàng, cho nên các đối tượng tội phạm đã lợi dụng để biến tấu các chiêu thức lừa đảo mới và liên tục thay đổi. Bên cạnh đó, việc mua bán thông tin cá nhân trên các trang web hacker rất dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân chính.

>>Lừa đảo huy động vốn: Thuốc nào “đặc trị”?

hiii

Mẩu quảng cáo lừa tuyển dụng cộng tác viên của một fanpage trên Facebook.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là ứng dụng trên smartphone luôn là một mối đe dọa an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, do người dùng cấp quá nhiều quyền truy cập, cũng như cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội, ứng dụng,... dẫn đến tình trạng bị chiếm đoạt, lợi dụng vi phạm pháp luật.

Theo nhận định của vị chuyên gia này, thời gian tới, việc sử dụng công nghệ nhằm mục đích lừa đảo sẽ còn tăng lên đáng kể với nhiều chiêu thức tinh vi hơn. Đặc biệt, mối đe dọa đến từ các thiết bị có khả năng kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau vẫn là vấn đề lớn, hiện chưa có giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước cho các thiết bị này, do đó nhiều vụ lộ, lọt thông tin cá nhân nhạy cảm, riêng tư,... đã bị phát tán trên mạng.

Đưa ra giải pháp để góp phần cảnh tỉnh người dân tránh rơi vào bẫy lừa của các đối tượng tội phạm công nghệ cao, chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho biết, các công cụ và giải pháp công nghệ hiện nay đều có sẵn. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những biện pháp “theo sau” khi những chiêu thức mới lần lượt được phát hiện. Do đó, người dân chỉ cảnh giác thôi là chưa đủ.

Theo vị chuyên gia này, mỗi người cần tỉnh táo trước những tin nhắn, cuộc gọi, trang web và đường links lạ. Bên cạnh đó, cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Khi gặp bất cứ những trường hợp nghi ngờ nào, cần “chậm lại” để xác minh thông tin, đồng thời không cung cấp bất cứ thông tin nhạy cảm nào liên quan đến danh tính cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội,…

Cũng theo ông Hiếu, mỗi người cũng cần nâng cao các tính năng bảo mật trên không gian mạng như sử dụng bảo mật 2 bước, xác minh bằng khuôn mặt, vân tay,… hoặc sử dụng thêm phần mềm từ bên thứ 3 để tăng tính bảo mật cho các tài khoản và thiết bị cá nhân.

Cũng trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối đưa ra góp ý, người dân nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ quá nhiều thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân... Bởi đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.

Cũng theo luật sư Hùng, trong trường hợp nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, rơi vào bẫy của các đối tượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được giải quyết và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. “Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền rộng rãi, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Muôn chiêu lừa đảo tâm linh

    Muôn chiêu lừa đảo tâm linh

    01:27, 11/02/2023

  • Thêm những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội

    Thêm những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội

    15:00, 06/12/2022

  • Lừa đảo huy động vốn: Thuốc nào “đặc trị”?

    Lừa đảo huy động vốn: Thuốc nào “đặc trị”?

    03:30, 20/11/2022

  • Nhức nhối tội phạm lừa đảo qua điện thoại

    Nhức nhối tội phạm lừa đảo qua điện thoại

    03:30, 12/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lừa đảo “online” còn là chuyện dài kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO