Vấn nạn lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Đáng chú ý, dù cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn dễ dàng “sập bẫy”…
>>Lừa đảo “online” còn là chuyện dài kỳ
Lại “bùng nổ” lừa đảo
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023 nổi lên là hình thức mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư… để lừa đảo qua mạng Internet. Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về các đường dây tội phạm mạng, hoạt động có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Cụ thể, Bộ Công an cho biết, các đường dây tội phạm này mạo danh một số ngân hàng có uy tín như Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, TPBank… và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam. Sau đó, chúng lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp. Các đối tượng lừa đảo còn tạo lập hàng ngàn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp, nợ xấu vẫn vay được…
Khi có người hỏi vay, kẻ gian dẫn dụ, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, ảnh chụp giấy tờ tùy thân... phục vụ làm hồ sơ.
Sau khi dụ người vay chuyển tiền hỗ trợ xác minh và duyệt khoản vay, đối phương nêu ra hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi kê khai hồ sơ. Tiếp đó, họ yêu cầu người vay nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống, hứa hẹn sẽ hoàn trả số tiền, rồi chiếm đoạt và cắt liên lạc.
Trước đó, Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT), Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit)… cho biết đã bị ngụy tạo website, lấy danh nghĩa công ty, lập tổng đài điện thoại để chào mời các gói vay cho nạn nhân, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, một số thủ đoạn lừa đảo tài chính khác, như giả mạo đặt phòng khách sạn online, dịch vụ bảo hiểm xã hội, quỹ đầu tư mạo hiểm; giả mạo ngân hàng để đánh cắp thông tin cá nhân để đi vay tín dụng; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo, lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế và tiền ảo; lừa đảo trúng xổ số… cũng đang nở rộ.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Xung quanh câu chuyện này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự bùng phát của lừa đảo trực tuyến. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra, song số nạn nhân của các vụ lừa đảo vẫn tăng liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với thiệt hại rất lớn.
Cũng theo ông Sơn, các hình thức lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng, tấn công có chủ đích APT sẽ còn tiếp tục tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm 2023. “Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc loại bỏ tài khoản ngân hàng rác, cùng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực sẽ là cơ sở để hy vọng tình trạng lừa đảo tài chính sớm được giải quyết”, ông Sơn kỳ vọng.
>>“Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo
Phải tăng nặng chế tài xử lý để răn đe
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho biết, thực tế ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Số tiền chiếm đoạt được từ các “phi vụ này” rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau do tính “không biên giới, không khoảng cách” mà mạng xã hội tạo ra.
Không những vậy, các thủ đoạn không ngừng biến tướng này còn gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Trong khi đó, khung hình phạt theo quy định hiện hành chưa thực sự đủ sức răn đe.
Theo Luật sư Nhung người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên các kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh.
“Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi người dân cũng cần chia sẻ cho gia đình, bạn bè, người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh”, Luật sư Nhung chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Cần tăng nặng chế tài xử lý để răn đe, trong đó cần tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động loại tội phạm này để đông đảo người dân được chứng kiến, từ đó tự nâng cao ý thức phòng ngừa.
“Tuyên truyền không gì hiệu quả bằng trực tiếp, người xem được chứng kiến bằng hình ảnh, âm thanh, người thật, việc thật, thiệt hại bao nhiêu, chiêu thức lừa đảo thế nào hết sức cụ thể, dễ học, dễ rút kinh nghiệm” - Luật sư Biên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm