Luân chuyển cán bộ và tinh thần Hồi tỵ hiện đại (Bài 1)

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 09/05/2022 05:20

Hệ lụy của quan hệ xã hội là khó tránh khỏi, gây ra trạng thái cả nể dẫn đến thiên vị, lâu ngày bám gốc bén rễ thành thân hữu, “sân trước, sân sau”.

Luật Hồi tỵ là một bước tiến lập pháp thời phong kiến

Luật Hồi tỵ là một bước tiến lập pháp thời phong kiến

>>Luật Hồi tỵ và vấn nạn “cả họ làm quan”

Thời gian gần đây rất nhiều vụ việc tiêu cực bị phát lộ có chung mẫu số “một người làm quan cả họ được nhờ” hay còn gọi “nhân sự cây nhà lá vườn” thì Luật Hồi tỵ được nhắc đến như một giải pháp nhằm giải quyết vấn đề. Liệu có thể dùng tinh thần ngày xưa chế ngự tiêu cực ngày nay?

Hồi tỵ được viết ra dưới thời vua Lê Thánh Tông - một nội dung rất ngắn của Bộ Luật Hồng Đức, thuộc giai đoạn hậu Lê (1428 - 1789): “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

Đến đời vua Minh Mạng (triều Nguyễn) luật này được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng triệt để hơn. Người có quê quán ở địa phương nào thì không được làm quan ở địa phương đó. Những người có huyết thống, thông gia, thầy trò, đồng hương,… không được làm quan cùng một nơi. Thậm chí, không được làm quan ở quê vợ, nơi từng học tập,…

Nền chính trị phong kiến, Nho giáo luôn bị hàm oan gán ghép “cha truyền con nối” chốn quan trường, nhưng luật Hồi tỵ thực sự là một tiến bộ vượt bậc về khoa học tổ chức. Mặc dù hơi cực đoan, song hạn chế cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, thủ cựu.

Ngày nay, “tinh thần Hồi tỵ” vẫn còn phảng phất trong rất nhiều lĩnh vực, như xét xử, khoa bảng, và mức độ vi phạm nguyên tắc này cũng không ít, như đã từng xảy ra ở nhiều địa phương.

Hồi tỵ khó có thể áp dụng triệt để như dưới triều Nguyễn, vì thật ra, người địa phương cũng có thế mạnh nhất định khi được giao trọng trách đứng đầu địa phương đó: Hiểu dân, gần gũi dân là hai yếu tố quan trọng nhất hiện nay với người lãnh đạo.

Cần xét đến yếu tố văn hóa, truyền thống. Việt Nam được hình thành trên nền văn minh lúa nước, tính cộng đồng, làng xã, huyết thống, họ hàng là một đặc sắc quá đậm nét. Có hàng trăm ngôi làng tuổi đời trên 600 năm!

Vậy nên, để buộc các cấp lãnh đạo “sạch bóng quan hệ” với địa phương là không thể. Đặc biệt, hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ sinh ra một thế hệ 5x, 6x từ phía Nam vĩ tuyến 17 được tập kết ra Bắc học tập. Mối quan hệ xã hội và huyết thống chằng chịt mà Luật Hồi tỵ không thể nào điều chỉnh hết.

Mặt khác, sự tiến hóa của nhà nước pháp quyền, phương thức, công cụ quản trị quốc gia và trình độ lập pháp ngày nay có thể thay thế mặt trái có phần cực đoan của luật Hồi tỵ.

Quy định mới về luân chuyển cán bộ gồm 5 bước rất chặt chẽ

Quy định mới của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ gồm 5 bước rất chặt chẽ

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về luân chuyển cán bộ, mang âm hưởng Hồi tỵ, nhưng dựa vào công cụ kiểm tra, đánh giá của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu nhiệm vụ gắn với tiêu chuẩn của người được luân chuyển, gồm 5 bước chặt chẽ.

Cơ quan nơi đi có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín, tiêu chuẩn chính trị và các vấn đề khác có liên quan đến cán bộ theo quy định trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển cán bộ.

Cơ quan nơi đến có trách nhiệm nhận xét, đánh giá định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín và các vấn đề có liên quan đến cán bộ luân chuyển và gửi cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu về tổ chức - cán bộ để phối hợp, theo dõi theo quy định.

Như vậy, tính trung thực, khách quan, cuối cùng do CON NGƯỜI đánh giá nhau. Nếu đánh giá không đúng và không trúng có thể xảy ra tình trạng “thoát tội”, “lọt tội”. Vi phạm chỗ này nhưng được bố trí chức vụ tương đương hoặc to hơn ở chỗ khác. Thực tiễn này đã từng xảy ra.

Trong một xã hội đậm đặc tính “âm” như Việt Nam, nhiều khi pháp luật chảy song song với tình cảm luyến ái. Quan hệ xã hội và vướng vào hệ lụy của quan hệ xã hội là khó tránh khỏi. Đây là nguồn cơn gây ra trạng thái cả nể dẫn đến thiên vị, lâu ngày bám gốc bén rễ thành thân hữu, “sân trước, sân sau”.

Khi luật pháp chưa là con đường cái quan cho tất cả có thể đi trên đó để tới đích, ắt dẫn đến “đi đêm”, bắt tay “dưới gầm bàn” để đạt được mục đích. Lắm khi người lãnh đạo có cái tâm trong sáng nhưng bị “giới làm ăn” ve vãn, khi xin gặp, lúc chai rượu và có thể…cả bọc tiền! Cuối cùng là cục bộ, lợi ích nhóm trỗi dậy phá hoại.

Chúng ta cần hiểu Hồi tỵ với tinh thần hiện đại, pháp quyền, văn minh chứ không phải là ý chí của một ông vua thời phong kiến “dưới gầm trời này tất thảy của trẫm”. Vậy, nên tiếp thu và sáng tạo Hội tỵ như thế nào?

Còn tiếp…

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện luân chuyển cán bộ

    Chuyện luân chuyển cán bộ

    04:00, 07/05/2022

  • Cần bổ sung thêm gói “hỗ trợ niềm tin”

    Cần bổ sung thêm gói “hỗ trợ niềm tin”

    05:00, 05/05/2022

  • Cần hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sắp xếp

    Cần hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sắp xếp

    13:21, 14/03/2022

  • Hà Nội: Khai trừ, cảnh cáo nhiều cán bộ, đảng viên

    Hà Nội: Khai trừ, cảnh cáo nhiều cán bộ, đảng viên

    01:28, 28/01/2022

  • Khi cán bộ “hăng hái” khóa trái nhà dân

    Khi cán bộ “hăng hái” khóa trái nhà dân

    00:00, 19/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luân chuyển cán bộ và tinh thần Hồi tỵ hiện đại (Bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO