Luật Bảo vệ môi trường 2020: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường

ĐỖ HUYỀN 11/12/2020 18:40

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đánh giá là một trong những bước tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, trong đó có Bảo vệ môi trường 2020.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân .

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân .

Luật Bảo vệ môi trường 2020 với 16 Chương, 171 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022; riêng Khoản 3, Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021.

Tại buổi họp báo, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định. Đồng thời, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Luật tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Đối với thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý theo phương án giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và thể hiện tại Điều 35 của dự luật

Đặc biệt, để nâng cao năng lực chuyên môn của các địa phương và tăng cường sự phối hợp, dự luật đã bổ sung tại khoản 3 Điều 35 trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.

Về giấy phép môi trường luật quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT trong trường hợp dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, thì cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý công trình thủy lợi đó.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý ô nhiễm không khí: Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ Môi trường!

    09:19, 10/11/2020

  • Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định còn quá chung chung

    04:50, 09/11/2020

  • Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường “mập mờ” làm khó doanh nghiệp

    04:30, 24/09/2020

  • Hải Phòng bị phạt 5,7 tỷ đồng do vi phạm luật bảo vệ môi trường

    20:09, 17/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Bảo vệ môi trường 2020: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO