Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/1 quy định ngân hàng vẫn được tham gia làm đại lý bảo hiểm, nhưng cấm gắn với dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
>>>Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua
Tại phiên họp cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, trước khi các ĐBQH biểu quyết thông qua luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (Luật các TCTD).
Đối với quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD (tại Điều 5, Điều 113), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên TCTD như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng. Có ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm; cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm như sau: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, giao Thống đốc NHNN quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Như vậy, các ngân hàng vẫn sẽ được tham gia làm đại lý bảo hiểm, nhưng không gắn với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; tức Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ chấm dứt hành vi "bán bia kèm lạc" gây rối loạn và khủng hoảng niềm tin trên thị trường bảo hiểm đặc biệt khi được phân phối thông qua kênh ngân hàng (bancassurance, hay còn gọi tắt là banca) như thời gian qua.
Nhận định về quy định tại Luật, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới đây, ông Đinh Công Luyến và bà Đỗ Lan Phương, chuyên viên phân tích của MBS cho rằng, hoạt động banca sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ banca của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, nhóm các NHTMCP có tỷ trọng thu nhập banca trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB.
Năm 2023, theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. So sánh với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm 2023.
9 tháng đầu năm 2023, thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng cũng đã sút giảm rất mạnh. Chẳng hạn như thu nhập bảo hiểm của Techcombank giảm tới -57% so với cùng kỳ 2022; của TPBank cũng có tỷ lệ giảm gần tương đương -56,2%; KienlongBank -51,8%; hay SeaBank đặc biệt giảm tới -79% so với cùng kỳ...
Đợt thanh tra các công ty bảo hiểm của Bộ Tài chính năm 2023 cũng cho thấy thông tin rất đáng chú ý, với doanh số bảo hiểm khai thác mới có tới 46% đến từ kênh phân phối ngân hàng (nguồn: IAV), thì tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm được bán từ ngân hàng lại khá thấp.
Chẳng hạn doanh nghiệp bảo hiểm đang có thị phần trong nhóm dẫn đầu thị trường là Prudential năm 2021 triển khai bán bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng: VIB, PVcomBank, SeABank, MSB, Standard Chartered, Vietbank, UOB, Shinhan, thì có tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất của 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance được phát hành qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
Sun Life, được phân phối qua ACB và TPBank, trong đó có kí hợp đồng với khoản upfront lớn cho ACB, phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance trong năm 2021, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 4,05%), tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank là 73%, ACB là 39%...
Như vậy, với quy định tại Luật các TCTD sửa đổi, kênh banca của các ngân hàng sẽ cần thời gian để phục hồi trở lại, nhưng cũng được các chuyên gia nhận định chung là "khó huy hoàng" với số lượng hợp đồng phát hành cao như những năm trước đây. Ở khía cạnh tích cực, quy định mới tại Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ bắt buộc bảo hiểm - ngân hàng tiếp tục hành trình tái cơ cấu banca và sản phẩm, dịch vụ, nâng cấp chất lượng tư vấn để phát huy vai trò đại lý bảo hiểm phục vụ nhu cầu mua bảo hiểm - tự nguyện và có nhu cầu thực - của doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, theo các chuyên gia MBS, Luậ các TCTD (sửa đổi) vừa được thông qua có những điểm mới đáng chú ý và sẽ có những tác động ngắn hạn đến hệ thống ngân hàng như:
Bổ sung thêm quy định các cổ đông sở hữu từ 01% (hiệu lực từ 01/07/2024: Vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai mình bạch thông tin của các cổ đông này; Giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5% vốn điều lệ của TCTD. Đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, quy định này sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát. Theo thống kê của MBS Research, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các TCTD có cổ đông chiến lược là NĐT nước ngoài).
Can thiệp sớm các TCTD yếu kém (hiệu lực từ 01/07/2024): Các TCTD được can thiệp sớm (lỗ luỹ kế hơn 50% vốn điều lệ) sẽ được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của TCTD. Đồng thời phải thuyết minh chi tiết số dự phòng thực tế và chênh lệch với số tối đa này trong BCTC. MBS Research đánh giá quy định này không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn hiện tại. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua BCTC được công bố của các TCTD.
Xử lý tài sản đảm bảo (hiệu lực từ 01/01/2025): Các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Quy định này giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với 1 phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm NH niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như TCB, MBB, VPB, SHB, HDB,…
"Luật các TCTD sửa đổi sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế", các chuyên gia khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 22/12/2023
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng “đau đầu” vì tài sản đảm bảo
03:00, 15/12/2023
Năm 2024: Rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng đến từ đâu?
05:23, 11/12/2023
Nếu không hành động, việc "bùng nợ" sẽ để lại hệ quả nợ xấu dài lâu
14:41, 30/11/2023
Cần có trần lãi suất vay tiêu dùng và sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng
11:27, 30/11/2023
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng chưa đủ mạnh
05:00, 20/11/2023