Luật Đặc khu: Cần điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư

Huyền Trang 02/06/2018 10:18

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ưu đãi để nhà đầu tư bỏ tiền vào đặc khu là cần thiết nhưng chúng ta không nên chiều nhà đầu tư bằng mọi giá.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) của Việt Nam hiện vẫn đang được thảo luận, lấy ý kiến với nhiều thay đổi lớn so với dự thảo đầu tiên.

Bên lề một hội thảo về đặc khu kinh tế mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này.

Có thể bạn quan tâm

  • Đặc khu kinh tế đang mất dần lợi thế?

    11:29, 01/06/2018

  • Dự án Luật đặc khu: Thuận lợi kinh doanh quan trọng hơn ưu đãi kinh tế

    17:05, 26/05/2018

  • Nếu quá cầu toàn khi xây dựng, Luật Đặc khu có thể làm mất đi cơ hội của đất nước

    20:00, 18/05/2018

Nhiều ý kiến cho rằng, đặc khu kinh tế của Việt Nam ra đời quá muộn so với các quốc gia khác trên thế giới, ông có đồng tình với quan điểm này?

Tôi cho rằng, dự thảo luật đặc khu kinh tế là một dự án luật rất cần thiết. Sau khi xây dựng và phát triển thành công, các đặc khu tinh tế này sẽ có tác động lan toả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành luật đặc khu của Việt Nam hơi muộn so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên theo tôi, nói như vậy là chưa thoả đáng, bởi trong phát triển kinh tế không có có gì là muộn hay sớm.

Kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như của thế giới như một guồng máy luôn tiếp tục phát triển và vận động không ngừng. Khi nào chúng ta thấy có điều kiện đủ chín muồi để xây dựng đặc khu thì chúng ta thực hiện, không phải là vấn đề sớm hay muộn.

Cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh). Nguồn: Zing.vn.

Cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh). Nguồn: Zing.vn.

- Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, các ưu đãi trong đang thiên về kinh tế hơn là việc tao ra một thể chế vượt trội, ông nghĩ sao về điều này?

Về vấn đề ưu đãi thì tôi cho rằng ưu đãi ở đâu cũng phải có, có thể ưu đãi về tinh thần, về chính sách chưa chắc đã là ưu đãi về mặt kinh tế, nhưng các nhà đầu tư tối đa hóa về lợi nhuận và tính hiệu quả, vì thế đầu tư ban đầu khi đưa vào đây là những dự án rất lớn, dự án thấp nhất cũng phải hàng trăm tỷ, có dự án lên đến 6.000 tỷ… cùng lúc bỏ ra lượng tài chính lớn như thế là vấn đề rất rủi ro nên ưu đãi ở đây không phải để họ giàu lên mà là để họ tin tưởng và giảm bớt rủi ro, chi phí ban đầu; chứ không phải hình thức chúng ta tặng quà.

Vì thế, không có đặc khu kinh tế nào là không có ưu đãi, đây là điều cần thiết nhưng quan trọng là chúng ta cần cân nhắc về tính chất, mức độ và thời điểm ưu đãi, thời gian ưu đãi như thế nào.

Vì vậy, chúng ta đừng ngại ngùng về việc người ta thấy có ít ưu đãi người ta không đến mà món quà lớn nhất với họ trước hết là tinh thần, họ đến đây là để yên tâm đầu tư và yên tâm rằng khi đầu tư vào đây không bị rủi ro và yên tâm rằng khi mình đầu tư vào đây mình có hiệu quả. Đây là vấn đề tạo ra môi trường tốt.

Chúng ta cần hết sức lưu ý đừng bao giờ lặp lại lối mòn có tính chất hối lộ nhà đầu tư như một số tỉnh đã thực hiện, anh trải thảm đỏ nhưng thực ra dưới lại rải đinh…. Nhà đầu tư các nước không ưa hối lộ, đặc biệt chỉ cần chính sách minh bạch. Chúng ta chỉ thu hút một số nhà đầu tư nào đó chứ không phải ai chúng ta cũng chiều lòng bằng mọi giá, chúng ta cần phải có điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư.

- Còn vấn đề tăng thời gian sử dụng đất lên đến 99 năm để hút nhà đầu tư thì sao, thưa ông?

Những ưu đãi này là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Ưu đãi có nhiều vấn đề như tôi đã nói có thể là ưu đãi về thể tế, về chính sách; thậm chí có thể sự đồng thuận cũng là ưu đãi. Ngay cả việc chúng ta sẵn sàng đào tạo cho một đội ngũ lao động tốt với chất lượng cao, nguồn nhân lực 4.0 cũng là một ưu đãi.

Hình thức ưu đãi có rất nhiều chứ không phải chỉ có bàn đến thuế, phí hay đất đai, thời hạn sử dụng đất. Thế nên tôi cho rằng cái quyết sách của chúng ta về thuê đất 50 năm, 70 năm hay trường hợp đặc biệt theo Thủ tướng Chính phủ quyết định là 99 năm là có thể chấp nhận được.

- Bên cạnh ưu đãi, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thể chế tại đặc khu, có ý kiến cho rằng phải trao cho người đứng đầu đặc khu công cụ để họ thực hiện những quyết sách; nhưng cũng có ý kiến lo ngại nếu trao người đứng đầu có quá nhiều quyền. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng, Luật đặc khu kinh tế sẽ phải tốt hơn các đạo luật khác, chỉ có thể thấp hơn Hiến pháp. Khi nó ra đời, quan điểm của tôi có thể sẵn sàng quên đi các quy định khác mà các quy định khác phải chấp thuận nó, vì chúng ta đang làm cái gì đó đặc thù. Đặc thù mà phải tuân theo các quy định ràng buộc khác thì sẽ không còn là đặc thù, đấy là đặc thù ở tầm dưới mà đây chúng ta đang phát triển đặc thù ở tầm cao, tầm văn minh nhưng bắt buộc phải tuân thủ Hiến pháp.

Ví dụ, Hiến pháp quy định phải có HĐND và UBND thì chúng ta phải làm, vấn đề là phải xem đột phá ở HĐND và UBND ở điểm nào. Quan điểm của tôi thì HĐND chủ yếu quyết định các chính sách mang tính định hướng; còn việc quyết định, thực hiện, triển khai như thế nào thì phải giao cho một người gọi là tư lệnh của đặc khu đó. Chúng ta cần phải mạnh dạn thiết kế một mô hình tư lệnh của đặc khu.

Có nhiều hệ thống giám sát của Đảng, Mặt trận, Quốc hội, nhân dân, báo chí… thì bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có, xử lý một con người dễ hơn xử lý một nhóm người.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Đặc khu: Cần điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO