Bình luận

Luật hoá chính sách đặc thù, khơi thông điểm nghẽn đầu tư công

Hạnh Lê 07/09/2024 04:40

Luật hóa các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng là một trong 5 nhóm chính sách sửa đổi tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Những năm gần đây và giai đoạn tới, đầu tư công tiếp tục là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển đất nước. Do vậy, sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm khắc phục những vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển là yêu cầu cần thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn trong thời kỳ mới.

dtc1.jpg
Quy định tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được nhiều địa phương ủng hộ

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, vướng mắc lớn nhất trong triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công nằm ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị dự án. Do đó, tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục sửa đổi nội dung này theo hướng cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án thay vì chỉ áp dụng với một số nhóm dự án như quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đầu tư công hiện hành.

Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng sẽ được thể chế hoá trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự ở cấp huyện và cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện/xã quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện/xã trở lên do UBND cấp huyện/xã là cơ quan chủ quản theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện.

Vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư công còn được nhận diện từ việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để; một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian. Một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu khác nhau với cùng một nội dung, gây lúng túng trong thực hiện cho các cơ quan, địa phương…

dtc2.png
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 29 chính sách mới nhằm khắc phục căn bản những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển

Từ thực tế, tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được thực hiện triệt để hơn. Có nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tới đây có thể giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay nội dung thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể giao cho Thủ tướng… Gắn liền với phân cấp, phân quyền là phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và tính chủ động, linh hoạt của các cấp quản lý.

Cùng với đó, trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được đơn giản hóa; thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được cắt giảm; bổ sung quy định khái niệm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án để làm rõ các bước triển khai dự án; danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian, quy trình làm thủ tục đầu tư được rút ngắn sẽ góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật hoá chính sách đặc thù, khơi thông điểm nghẽn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO