Cần tăng tốc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, giúp nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu ra.
Tại Báo cáo Điểm lại tháng 8 được Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng và đầu tư đều đang có xu hướng phục hồi tốt là yếu tố khiến WB lạc quan hơn vào tăng trưởng cả năm nay của Việt Nam. Cho rằng, kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức nên WB dự báo GDP của Việt Nam năm 2024 tăng 6,1%.
Tuy nhiên, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến. “Nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc. Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng”, chuyên gia Dorsati Madani cho biết.
Trước đó, vào tháng 4, nhận diện nền kinh tế chưa có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, WB chỉ dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay đạt 5,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Báo cáo của của WB không chỉ lạc quan hơn về mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện trong năm nay mà còn dự báo GDP Việt Nam tiếp tục tăng trong 2 năm tới, với khả năng đạt tới 6,5%.
Tuy nhiên không chỉ toàn “màu hồng”, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB vẫn chỉ ra một số vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Đó là mặc dù vẫn đang hồi phục, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% (tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định kể từ cuối năm 2022) nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (tăng 11,6%). Bên cạnh đó, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân dù có cải thiện trong nửa đầu năm 2024 (tăng 3,9%) song vẫn thấp hơn mức bình quân hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017-2019. Mức tăng của đầu tư công cũng chững lại còn 4% trong nửa đầu năm 2024, so với mức 20,5% trong nửa đầu năm 2023.
Đặc biệt, nợ xấu cao trong bối cảnh tín dụng không tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối tháng 6 là 4,56%, cao hơn gấp đôi so với cuối 2022.
Vì thế, ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tại WB cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần "tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính".
Theo nhóm phân tích của WB, trong điều kiện nền kinh tế chưa quay lại lộ trình tăng trưởng trước đại dịch, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để vừa có thể hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy giảm lãi suất. Nhưng quan trọng nhất là cần phải tăng tốc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công thì mới có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nói chung. Đầu tư công sẽ tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa ở nhiều lĩnh vực liên quan và sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu ra. Từ đó doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về dài hạn, để duy trì triển vọng tăng trưởng bền vững, các cải cách cơ cấu có vai trò sống còn. Theo các chuyên gia của WB, ngoài các gói kích cầu ngắn hạn, tăng cường quản lý đầu tư công cũng hết sức quan trọng nhằm xử lý những thiếu hụt phát sinh về hạ tầng (năng lượng, giao thông vận tải…) để thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh những cải cách cơ cấu nhằm tăng cường môi trường pháp quy trong các dịch vụ trụ cột quan trọng để xanh hóa nền kinh tế, tạo dựng vốn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp tục đa dạng hóa thương mại, thị trường xuất khẩu và tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại khu vực để giảm nguy cơ với tình trạng chia rẽ thương mại toàn cầu và đảm bảo tăng trưởng có khả năng chống chịu tốt hơn.
Ngoài đầu tư công, bà Dorsati Madani, Kinh tế trưởng tại WB gợi ý, Việt Nam cũng cần thúc đẩy khu vực tư nhân. Chuyển dịch xanh đang diễn ra khắp nơi, doanh nghiệp Việt cần cân nhắc áp dụng công nghệ xanh.