Luật hóa hoạt động thiện nguyện

HUYỀN TRANG thực hiện 29/10/2020 11:01

"Đã đến lúc Việt Nam có một đạo luật về các tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận, đủ bao quát cả các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ tự nguyện".

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về hoạt động thiện nguyện.

Ông Đồng nhấn mạnh việc luật hóa hoạt động này sẽ giúp bảo vệ những cá nhân làm thiện nguyện và đảm bảo được quyền lợi cho những tấm lòng hảo tâm quyên sẵn sàng hỗ trợ cho việc làm thiện. Đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng các tổ chức tình nguyện chuyên nghiệp trong tương lai.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số.

Cần lắm những tổ chức chuyên nghiệp…

-Ông có thể lý giải rõ hơn về đề xuất này?

Khi nhắc đến những chuyến đi cứu trợ thiên tai một người bạn tôi vẫn thường nhắc vui chuyện hơn 10 năm trước, bên cạnh mì tôm, xô chậu và viên lọc nước, anh mua thêm băng vệ sinh, quần lót, những món đồ thường ít ai nghĩ đến. Nếu có lằn ranh giữa những nhóm làm cứu trợ nhất thời, tạm gọi là “nghiệp dư” và những tổ chức, tạm gọi là “chuyên” “có nghề” - thì lằn ranh đó chính là việc để ý đến những đồ riêng tư nhưng cần thiết đến mức không thể thiếu của phụ nữ. Mà làm được thế trước hết cần hiểu nhu cầu của người nhận – những thứ chỉ có được từ kinh nghiệm thực địa.

Thật ra, trong câu chuyện này, tôi không có ý rằng “có nghề” thì hơn nghiệp dư, và “có nghề” cần “thay thế” nghiệp dư. Cùng với đó, cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn – khi lũ lụt trải dài trên nhiều tỉnh, ảnh hưởng hàng chục triệu con người thì không chỉ cần các nhóm nghiệp dư mà còn cần nhiều hơn đến nhiều các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực điều phối và thực hiện cứu trợ một cách an toàn.

Các đoàn nhỏ lẻ dồn đến ngay thời điểm lũ chưa rút – việc đó vừa thêm áp lực với chính quyền khi họ đang phải căng mình lo cho dân, giờ lo thêm an toàn cho người cứu trợ; lại cũng gây nên bức xúc và mất niềm tin của người làm từ thiện đang sốt sắng đi cứu trợ mà bị “chặn lại” không cho tiếp cận với dân.

Và nhìn xa hơn một chút, nhu cầu hỗ trợ của những cộng đồng bị lũ lụt, thiên tai tàn phá không dừng lại ở thùng mì, gói bánh trong vài ba ngày sau lũ. Họ có đủ nguồn lực để sống, để trở lại việc sản xuất, làm ăn, buôn bán trong những tuần, những tháng khi cơn lũ rút đi?

Đặt ra những câu hỏi ấy để thấy rằng việc cần những tổ chức làm cứu trợ, làm công việc hỗ trợ cộng đồng một cách chuyên nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Mà điều kiện để các tổ chức này hoạt động là một hành lang pháp lý đầy đủ để họ có thể yên tâm làm việc.

-Nhưng rõ ràng là chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn các tổ chức như Hội chữ thập đỏ, các cơ quan được phép làm từ thiện để gửi gắm niềm tin của mình chứ, thưa ông?

Các đoàn thể của hệ thống chính trị hiện tại (mặt trận, hội phụ nữ ….) có những vai trò nhất định nhưng không thay thế được các tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, giống như mọi quốc gia, những người nổi tiếng – như ca sỹ, diễn viên, vận động viên… có  "sức hút" riêng, ảnh hưởng riêng với công chúng. Cần khuyến khích họ như là một kênh bổ sung, phối hợp với chính quyền. 

Nhìn lại đợt lũ vừa qua, tôi có một vấn đề tự hỏi là tại sao Thuỷ Tiên có thể gây quỹ 150 tỷ chỉ trong vài ngày mà các tổ chức khác chưa làm được? Tại sao cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có những tổ chức chuyên nghiệp để gửi gắm những tấm lòng đó?

Một phần của câu trả lời, theo tôi nằm ở môi trường pháp lý không những không khuyến khích mà còn bóp nghẹt những nỗ lực như vậy. Hai Nghị định 64 ban hành năm 2008 và Nghị định 93 ban hành năm 2019 và Luật Dân sự một mặt chưa tạo ra đủ sự thuận lợi cho bản thân các tổ chức, cá nhân muốn lập, vận hành quỹ xã hội, quỹ từ thiện; mặt khác chưa bảo vệ niềm tin và lợi ích của những người góp tiền cho quỹ (về trách nhiệm đảm bảo minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ). Khi mục tiêu của nghị định là giúp chính quyền kiểm soát người gây quỹ thì không thể có môi trường khuyến khích.

Ngược lại, mục tiêu đáng lẽ ra là bảo vệ niềm tin của người đóng góp thông qua yêu cầu trách nhiệm đảm bảo minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ thì pháp luật lại chưa có quy định.

Việc các nghệ sĩ huy động được một số tiền lớn chỉ trong vài ngày ngắn ngủi khiến tôi vừa mừng vừa thấy lo. Mừng bởi những người nổi tiếng đã sử dụng đúng lúc vị thế và ảnh hưởng của họ để cống hiến cho cộng đồng. Và lo bởi chẳng may nếu quá trình cứu trợ của họ, nếu không may xảy ra sự cố thì họ sẽ phải đứng trước búa rìu của dư luận.

Do đó, trong trường hợp này, sự chuyên nghiệp hoá là cần thiết – và về lâu dài, uy tín của Thuỷ Tiên hay của những người nổi tiếng nên dùng vào việc đi cùng một tổ chức chuyên nghiệp để vận động đóng góp thay vì tự mình thực hiện những công việc mà mình không chuyên.

Và đương nhiên Thủy Tiên, hay những tổ chức khác đều cần đến những đối tác là các tổ chức chuyên nghiệp để giúp họ thực hiện những công việc như vậy.

qưe

Chúng ta rất cần những tổ chức làm cứu trợ, làm công việc hỗ trợ cộng đồng một cách chuyên nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Mà điều kiện để các tổ chức này hoạt động là một hành lang pháp lý đầy đủ để họ có thể yên tâm làm việc.

Và một hành lang pháp lý đầy đủ….

-Như ông nói thì mục tiêu chính của đạo luật này đơn giản chỉ là để bảo vệ những tấm lòng hảo tâm, thưa ông?

Trong mọi hoạt động xã hội – thiện nguyện, niềm tin là yếu tố cốt lõi nhất. Tôi nghĩ rằng, bảo vệ niềm tin thông qua bảo vệ lợi ích của hàng triệu người đóng góp từ thiện là mục đích cao nhất mà đạo luật nên hướng đến.

Trước đây, chúng ta từng muốn làm “Luật về hội” nhưng do nhiều yếu tố cản trở, chưa làm được. Vì vậy, luật này nên chọn cách tiếp cận thực tế trước, tập trung một đối tượng điều chỉnh được xác định rõ là các tổ chức phi lợi nhuận.

Luật khi đó sẽ bảo vệ quyền lợi của người góp tiền, ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan nhà nước liên quan. Các thiết chế được thiết kế rõ ràng trong luật, gồm: cơ chế báo cáo hoạt động; báo cáo tài chính, hậu kiểm bằng kiểm tra độc lập hoặc kiểm toán; và cơ chế hội đồng quản lý quỹ/ hội đồng quản lý tổ chức từ thiện sẽ giúp đạt các mục tiêu này.

Như vậy, mọi hoạt động sẽ được minh bạch hóa; người bỏ tiền ra làm từ thiện có thể theo dõi được đồng tiền của mình đang được dùng vào việc gì, có thể giúp đỡ những ai. Tất nhiên cần lưu ý, Luật chỉ nên điều chỉnh khi cá nhân, tổ chức nhận được số tiền từ thiện có quy mô tương đối giá trị trở lên.

Có thể học tập mô hình Anh, một quỹ tổ chức từ thiện, nếu phát động gây quỹ mà nhận được số tiền tài trợ từ 5.000 USD là nghĩa vụ đăng ký hoạt động; nhận được 25.000 bảng trở lên trong một năm thì phải được kiểm toán hoặc kiểm tra độc lập.

Khi vấn đề niềm tin được kích hoạt thì hạt giống của hoạt động phi lợi nhuận sẽ nhanh chóng nảy mầm, giúp hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh một cách hiệu quả nhất và công tâm nhất.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Nghị định 64/2008: Khuyến khích tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ nhau

    Sửa đổi Nghị định 64/2008: Khuyến khích tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ nhau

    04:30, 26/10/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tập trung ứng phó bão số 8 và cứu trợ khẩn cấp người dân vùng ngập lũ

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tập trung ứng phó bão số 8 và cứu trợ khẩn cấp người dân vùng ngập lũ

    00:00, 22/10/2020

  • PVFCCo cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung

    PVFCCo cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung

    17:27, 21/10/2020

  • BAMBOO AIRWAYS vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ đến các tỉnh miền Trung

    BAMBOO AIRWAYS vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ đến các tỉnh miền Trung

    19:14, 18/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật hóa hoạt động thiện nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO