Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng lực lượng chức năng vào cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài thì hành vi của lực lượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 28/9 trên mạng lan truyền video về việc lực lượng chức năng phá cửa, cưỡng chế một người phụ nữ đi test nhanh COVID-19. Qua xác minh vụ việc xảy ra vào sáng ngày 28/9, tại một căn hộ ở Chung cư Ehome 4 thuộc phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An. Người phụ nữ trong video bị cưỡng chế đưa xuống sân test nhanh COVID-19 là bà Hoàng Thị Phương Lan.
Ông Võ Thanh Quan- Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú cho rằng, do địa phương đang xét nghiệm diện rộng lại để làm căn cứ để thành phố Thuận An công bố “vùng xanh” nên yêu cầu tất cả phải đi test COVID-19. Bên cạnh đó, mới đây, ngay block chung cư nơi bà Lan ở có 2 ca F0 nên địa phương lo sợ dịch bệnh lây lan trở lại.
Ông Võ Thanh Quan nhận khuyết điểm, trong lúc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã nóng vội, thực hiện không đúng quy trình. Do đó, mong muốn bà Hoàng Thị Phương Lan và dư luận thông cảm để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phường.
Theo ông Quan, trước đây, chung cư Ehome 4 đã 2 lần phong tỏa khi có ca mắc COVID-19. Lúc đó, người dân rất khổ phải chịu cảnh sinh hoạt khó khăn và lực lượng tuyến đầu cũng vất vả để hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống. Do đó, ông rất sợ dịch bệnh bùng phát trở lại khi nghe tin ở đây mới có thêm 2 ca F0. Trong khi đó, những ngày qua, trong quá trình tổ chức test diện rộng tất cả đều xuống test chỉ có gia đình bà Lan không đi test nên ông lo sợ bà Lan bị mắc COVID-19 do đó đã nóng vội cho tiến hành phá cửa kiểm tra.
“Nếu dương tính, chúng tôi biết và sớm đưa chị điều trị, để không phát sinh lây nhiễm trong tòa nhà. Trong quá trình thực hiện chị chưa hợp tác tốt, do đó chúng tôi nóng vội dùng biện pháp cứng, nên mong chị thông cảm”- ông Quan nói.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết đối với hành vi không chịu đi test COVID-19 của bà L, khoản 2, điểm a, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định về vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, căn cứ theo quy định trên và Nghị định 117/2020 thì trong trường hợp bà L. không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền… thì chỉ bị phạt hành chính từ 1 triệu tới 3 triệu đồng, không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Do vậy, ông Hùng cho rằng lực lượng vào thực hiện việc cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo ông Hùng, đối với những hành vi của đoàn liên ngành, qua đoạn clip có thể thấy những người này không có quyết định khám xét, quyết định cưỡng chế hoặc các quyết định khác để được phá cửa vào nhà nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi khi chưa có sự cho phép của chủ nhà, xâm nhập vào nhà và kéo giữ chủ nhà ra ngoài. Những người này cũng không phải thực hiện các mệnh lệnh hành chính hay theo trình tự tố tụng theo luật tố tụng hành chính hoặc tố tụng hình sự.
Ông Hùng cho biết, theo quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013, “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.
Điều này cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân. Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín…
Ông Hùng cho biết những hành vi như “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ” có dấu hiệu vi phạm Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ; tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
Ngoài ra, luật sư Hùng cho rằng cũng cần xem xét hành vi liệu có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật hay không. Theo ông Hùng, việc cưỡng chế một phụ nữ khi chưa có quyết định cưỡng chế, với lực lượng hùng hậu làm cho trẻ em khóc thét trong nhà như vậy cho thấy sự phản cảm và chưa phù hợp pháp luật.
Do vậy, theo ông Hùng, vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ, nếu có bằng chứng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm minh.
Được biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã yêu cầu phường Vĩnh Phú báo cáo về vụ việc cưỡng chế xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với người phụ nữ ở chung cư vào hôm 28/9.
Có thể bạn quan tâm
19:50, 29/09/2021
19:15, 29/09/2021
14:22, 29/09/2021