Sản lượng đầu ra tiếp tục cải thiện, cộng với triển vọng tích cực từ dự án Lô B-Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng đối với Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, HoSE: GAS).
>>Triển vọng ngành dầu khí: Kỳ vọng tăng trưởng từ việc khởi động các dự án mới
Doanh thu 6 tháng đầu năm của GAS ước đạt 45.117 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ước đạt 7.542 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.035 tỷ đồng, bằng 183% kế hoạch.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ khí của GAS dự kiến hồi phục kể từ cuối quý 2/2023 nhờ các khách hàng điện khí được huy động tối đa. Chu kỳ El Nino quay trở lại giai đoạn 2023 – 2025 sẽ khiến lượng nước về các hồ thủy điện suy giảm, ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra của các nhà máy thủy điện.
Ngoài ra, cơ chế giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo chưa rõ ràng cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhà máy điện khí tăng công suất trong bối cảnh thiếu điện. Do đó, BSC cho rằng các nhà máy điện khí sẽ được huy động ở mức tối đa, từ đó cải thiện sản lượng khí đầu ra cho GAS.
6.035 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế ước tính 6 tháng đầu năm 2023 của GAS, bằng 183% kế hoạch năm.
GAS dự kiến sẽ tiếp nhận lô LNG đầu tiên về kho cảng LNG Thị Vải trong tháng 7. Đối với lô hàng này, Ban lãnh đạo GAS cho biết sẽ nhập từ 50.000- 70.000 tấn để vận hành thử, và cung cấp cho khách hàng thấp áp. Bên cạnh đó, GAS cũng đang làm việc với EVN và MOIT để có thể sớm cung cấp LNG cho khách hàng sản xuất điện. BSC đánh giá tiềm năng của LNG là rất lớn, do nhu cầu từ sản xuất điện công nghiệp sử dụng LNG sẽ có xu hướng tăng, theo Quy hoạch điện VIII.
Ngoài ra, giá LNG sau giai đoạn tăng nóng đã quay trở về mặt bằng trước đây, và tiệm cận với nguồn khí trong nước, từ đó giúp việc nhập khẩu nguồn khí này trở nên thuận lợi hơn. Với sức chứa 1 triệu tấn LNG hiện tại, BSC dự báo trong giai đoạn ổn định, mỗi năm kho cảng LNG Thị Vải có thể đóng góp khoảng 1.500 tỷ VND vào lợi nhuận của GAS.
>>Nguồn điện linh hoạt trong Quy hoạch điện 8 - chìa khóa từ động cơ đốt trong ICE của Wärtsilä
Theo Quy hoạch điện 08 vừa mới được phê duyệt, điện khí (LNG và khí từ các mỏ trong nước) sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2022-2030 với công suất đặt tăng từ 7.2 GW lên 37.3 GW tương ứng với tỷ trọng trong tổng công suất đặt của hệ thống tăng từ 9.2% lên 23.6%. Theo đó, Lô B - Ô Môn là dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí. Dự án này được kỳ vọng sẽ có quyết định đầu tư vào nửa cuối năm 2023.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Ban Lãnh đạo GAS cho biết công ty đã đóng thầu EPC, dự kiến từ 60 – 65 ngày sẽ có kết quả đấu thầu, và kỳ vọng sẽ sớm có quyết định cuối cùng chấp thuận đầu tư (FID). Nếu được chấp thuận đầu tư, dự án sẽ đi vào hoạt động và đón dòng khí đầu tiên vào năm 2026.
Với vai trò là nhà đầu tư chính với 51% tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án đường ống Lô B, GAS sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này nhờ vào nguồn khí bổ sung từ Lô B, với sản lượng lên tới 5 tỷ m3/năm, thay thế cho một số mỏ khí đang suy giảm sản lượng mà GAS hiện đang khai thác. Như vậy, trong trung và dài hạn, dự án Lô B-Ô Môn có vai trò rất quan trọng đối với GAS khi trở thành nhà cung cấp khí LNG…
Về mặt định giá, cổ phiếu GAS đang được giao dịch ở mức P/E 12x, và P/B 2.9 lần, thấp hơn 33% và 24% so với mức trung vị 5 năm. Triển vọng kinh doanh của GAS tương đối khả quan trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Do đó, cổ phiếu GAS đang khá hấp dẫn nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
PVEP ổn định nhịp độ khai thác dầu khí trong tháng 5
18:44, 07/06/2023
Nâng cao năng lực chuyển đổi số tại Bộ máy điều hành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
12:17, 24/05/2023
Tuổi trẻ Dầu khí tiên phong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh
12:09, 24/05/2023
Luật Dầu khí năm 2022: Đòn bẩy tăng trưởng cho ngành Dầu khí
17:18, 25/04/2023