Lùm xùm câu chuyện Vinaconex

Tiến Dũng 02/04/2019 15:01

Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho rằng, ông cùng các cộng sự luôn làm đúng luật và phấn đấu hết mình vì sự phát triển của Vinaconex nên ông sẽ không có sự thỏa thuận.

Xung quanh câu chuyện "lùm xùm" tại Tổng Công ty Vinaconex khi có 2 pháp nhân cùng 2 cá nhân là thành viên trong HĐQT đã đệ đơn lên tòa án đề nghị hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông bất thường (HĐĐCĐ) của Vinaconex ban hành ngày 11/1/2019, Tổng Công ty Vinaconex đã tổ chức buổi gặp gỡ nhằm thông báo và trao đổi thông tin với các cổ đông và báo chí.

ggghj

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex (bên phải ảnh).

Hoàn toàn đúng luật?

Mở đầu cuộc gặp, ông Đào Ngọc Thanh cho biết đã hết sức bất ngờ khi nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 tại Vinaconex.

Lý giải về bất ngờ này, ông Thanh cho rằng có việc gì đó rất vội vàng và thiếu thận trọng khi mà ngày 25/3/2019 Tòa án mới có thông báo thụ lý vụ việc thì chỉ sau đúng hơn một ngày, tức là sáng 27/3/2019 dù chưa có bất cứ cuộc gặp gỡ và thông báo nào, Tòa án đã ngay lập tức ra phán quyết tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của Vinaconex.

Nói về lý do mà 4 tổ chức/cá nhân khởi kiện An Quý Hưng đã vi phạm khi đơn phương triệu tập ĐHĐCĐ bất thường, ông Thanh cho biết: "Dù đã chính thức sở hữu cổ phần Vinaconex trước thời điểm diễn ra đại hội ngày 11/1/2019 nhưng theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 24 Điều lệ Vinaconex thì chỉ có các cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên liên tục trong thời gian ít nhất 06 tháng mới có đầy đủ quyền như một cổ đông chính thức.

Chiểu theo quy định đó, tại thời điểm 11/1/2019 cả 3 cổ đông mới là An Quý Hưng, Cường Vũ hay Star Invest cũng không có quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông, cho dù lúc đó An Quý Hưng đã sở hữu gần 58%, Cường Vũ sở hữu 21,3% và Star Invest sở hữu 7,57% vốn điều lệ của Vinaconex.

Chính vì lẽ đó nên việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường là do cổ đông lớn nhà nước lúc đó là SCIC thực hiện. Việc này đều được thể hiện trong các công văn, giấy tờ và thông báo gửi tới cổ đông mà bất cứ ai nếu muốn đều có thể kiểm tra được. Với những chúng cứ như vậy nên việc kiện An Quý Hưng triệu tập Đại hội đồng cổ đông là hoàn toàn vô căn cứ"- ông Thanh phân tích.

Nói về lý do bị kiện do các thành viên HĐQT được bầu không hợp lệ, ông Thanh lý giải tại thời điểm ngày 11/01/2019 khi diễn ra ĐHĐCĐ bất thường vì cả 3 cổ đông lớn khi đó chưa có đầy đủ quyền của một cổ đông chính thức nên theo luật việc đề cử người vào chức danh thành viên HĐQT là cũng không được phép.

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới tham gia điều hành Vinaconex, 2 cổ đông lớn chính thức và hợp lệ khi ấy là SCIC và Viettel đã đề cử tổng cộng 8 người vào HĐQT mới. Trong đó SCIC đề cử 5 người thuộc nhóm cổ đông An Quý Hưng và Viettel đề cử 3 người từ nhóm Cường Vũ và Star Invest, sau đó một người từ nhóm Star Invest xin rút nên danh sách còn lại 7 người.

"Tất cả việc xin ý kiến về việc tổ chức đề cử, danh sách đề cử, việc xin rút đều được lấy ý kiến từ phía cổ đông thông qua việc biểu quyết tại chỗ ngay tại đại hội và không có bất cứ ai, kể cả từ phía 2 cổ đông lớn Cường Vũ và Star Invest phản đối hay có ý kiến khác. Sau đó HĐQT gồm 7 thành viên đã được bầu ra một cách hoàn toàn hợp lệ thông qua hình thức bỏ phiếu, có đầy đủ chứng cứ.Ngay việc tôi được bầu làm Chủ tịch HĐQT cũng được sự nhất trí hoàn toàn từ phiếu bầu của tất cả các thành viên HĐQT” - ông Thanh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Tân Tổng Giám đốc Vinaconex được “quyết” 500 tỷ trong 5 phút

    Tân Tổng Giám đốc Vinaconex được “quyết” 500 tỷ trong 5 phút

    09:53, 30/01/2019

  • Tổng Giám đốc Ecopark “ngồi” ghế Chủ tịch Vinaconex

    Tổng Giám đốc Ecopark “ngồi” ghế Chủ tịch Vinaconex

    12:13, 11/01/2019

  • Đại hội cổ đông bất thường Vinaconex: Bất ngờ ghế Chủ tịch?

    Đại hội cổ đông bất thường Vinaconex: Bất ngờ ghế Chủ tịch?

    13:50, 10/01/2019

“Nút thắt” An Khánh?

Khi được hỏi lý do của vụ kiện, ông Nguyễn Văn Mậu – Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Thường trực Vinaconex cho biết ông cũng rất bất ngờ bởi kể từ khi 7 thành viên HĐQT mới được bầu, HĐQT đã trải qua 3 phiên họp thì cả 3 lần tất cả các thành viên đều có mặt và biểu quyết công khai theo đúng luật.

Ông Mậu cho rằng dù HĐQT và Ban Tổng giám đốc mới đi vào hoạt động nhưng kết quả hoạt động của Vinaconex đạt được rất khả quan. Việc hướng tới mục tiêu TOP 3 doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh Bất động sản đang gần hơn bao giờ hết với chỉ tiêu doanh thu tăng thêm 50% , lợi nhuận tăng thêm 30%, cổ tức tăng gần gấp đôi so với năm trước. Dự án Cát Giá – Cát Bà (Hải Phòng) dù rất tiềm năng nhưng bị bỏ đó hơn chục năm do thiếu tiền đầu tư cũng đã chính thức được Vinaconex khởi dộng lại. Vinaconex cũng vừa ký kết hợp tác với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước.

Ông Mậu cũng cung cấp một thông tin khá “hot” đó là hiện Vinaconex đang có 2000 tỷ đồng gửi tại ngân hàng, trong khi đó tổng dư nợ của Vinaconex tại các tổ chức tín dụng chỉ là 400 tỷ đồng. Hiện 200 ha đất tại khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) đang được Vinaconex và đối tác đầu tư để thay đổi mạnh mẽ hướng tới một khu đô thị đẳng cấp, một Ecopak thứ 2 trong tương lai nên cần một người đứng đầu có chuyên môn và kinh nghiệm. Vừa qua HĐQT đã họp và đưa ra biểu quyết thay thế ông Thân Thế Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh – một đại diện cho nhóm cổ đông Cường Vũ bằng ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Vinaconex, Tổng Giám đốc Vihajico (Chủ đầu tư Khu đô thị Ecopark nổi tiếng ở Hưng Yên).

Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Ban pháp chế Vinaconex cũng đưa ra khẳng định: "Tính tới ngày 25/3/2019 - ngày Tòa án ra Thông báo thụ lý vụ việc thì Cường Vũ và Star Invest chưa nắm giữ cổ phần của VCG trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng nên 2 đơn vị này không có tư cách pháp lý là chủ thể đưa ra yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCD bất thường ngày 11/1/2019 của Vinaconex.  2 cá nhân có đơn là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà do Ủy quyền của Viettel lập ngày 08/01/2019 chỉ ủy quyền cho họ thay mặt Viettel tham dự, biểu quyết và thực hiện mọi quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông, mà không ủy quyền họ làm người yêu cầu giải quyết dân sự nên việc 2 ông này đứng đơn kiện là hoàn toàn trái luật.

Do ngày 26/3/2019 cả ông Hà và ông Trung đã có đơn xin rút yêu cầu giải quyết việc dân sự và đơn xin rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Vinaconex nên việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa thụ lý Đơn yêu cầu của Cường Vũ và Star Invest, ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 27/3/2019 là trái luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinaconex và các cổ đông".

Ngày 22/3/2019, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (nắm giữ 21,28% vốn điều lệ Vinaconex) và  Công ty THH Đầu tư Star Invest (nắm giữ 7,57% vốn điều lệ Vinaconex) và 2 cá nhân thành viên HĐQT là các ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà đã gửi đơn tới Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, HN yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của Tổng Công ty CP xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) ban hành ngày 11/1/2019 với lý do An Quý Hưng triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/01/2019 bất hợp pháp.

Ngày 27/3/2019, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Mã chứng khoán VCG).

Ngày 28/3 và 29/3/2019, Vinaconex đã có liên tiếp 2 văn bản kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân quận Đống Đa hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, đồng thời yêu cầu các bên liên quan phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông do việc đình trệ hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát, thiệt hại 1236 tỷ đồng do việc giá cổ phiếu bị giảm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lùm xùm câu chuyện Vinaconex
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO