Sau 8 năm, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới xã Lương Sơn hôm nay đã thay da đổi thịt với diện mạo ngày càng khởi sắc, khiến cả một vùng quê nghèo trước đây trở nên bừng sáng.
Phát huy từ trong nội lực
Cuối năm 2018, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã về đích nông thôn mới. Có được kết quả này là nhờ cấp ủy, chính quyền xã Lương Sơn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đoàn kết, thống nhất trong nhân dân, qua đó, huy động được sức mạnh tập thể, phát huy nội lực để có được nguồn lực thực hiện xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Không chỉ có đường giao thông, điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc... được phủ khắp thôn bản, điều người dân xã Lương Sơn cảm nhận được sự thay da đổi thịt, các thôn, các bản được phủ lên mình những lớp nhà cao tầng, những của hàng dịch vụ, công ty kinh doanh mở ra, làm khu trung tâm xã trở nên nhộn nhịp sầm uất. Đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, thu nhập người dân ngày càng cao hơn.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện (Nguyên Chủ tịch xã Lương Sơn khi về điều động công tác từ năm 2015 đến đầu năm 2019) cho biết: Để đạt được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền xã Lương Sơn đã triển khai rất nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu hàng năm. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: Phân công lại nhiệm vụ cho từng đồng chí cấp ủy viên phụ trách các thôn, bản; rà soát từng thôn, từng việc mình phụ trách, sau đó lựa chọn những việc làm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Chính vì vậy, phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở các thôn, bản diễn ra rất sôi nổi, đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp trên địa bàn xã tham gia, đóng góp cho xây dựng NTM.
Tất cả các phần việc liên quan đến xây dựng NTM đều do người dân tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, thống nhất, sau đó mới triển khai thực hiện. Đặc biệt là các khoản kinh phí đầu tư xây dựng, các khoản thu, chi đều được quản lý chặt chẽ, thông báo công khai qua hệ thống truyền thanh...
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Lương Sơn đã chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình, từ đó đồng thuận chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Sơn trong việc huy động nội lực phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Nhất là việc đa dạng hóa các nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, trong đó có hệ thống giao thông nông thôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển sản xuất, giao thương buôn bán và đi lại thuận lợi. Theo đó bộ mặt nông thôn Lương Sơn được đổi mới, văn minh hơn. Đây là những bước tạo đà quan trọng cho Lương Sơn tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu".
Đổi thay trên vùng quê Lương Sơn
Nhờ sự chỉ đạo và điều hành có hiệu quả của ban chỉ đạo và ban quản lý xây dựng, sau 8 năm nỗ lực Lương Sơn đã đạt được nhiều kết quả, nhất là việc chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã xây dựng được nguồn nguyên liệu mía đường năng suất chất lượng với diện tích 691ha. Đồng thời đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn với diện tích 1.586 ha, chuyển đổi một vùng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng mía, tận dụng 48 ha đất tại các bờ lô, đất vườn để trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả. Xã còn thực hiện một số chính sách khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Do đó đến tháng 10/2018 xã có 6 trang trại chăn nuôi tổng hợp, 18 gia trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và một trang trại lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống của nhân dân. Không những thế, xã còn luôn duy trì và phát triển các ngành nghề thế mạnh ở địa phương như: nghề mộc, thợ xây, thợ hàn xì, mở rộng dịch vụ kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải phục vụ cho nhân dân trong xã và các địa phương lân cận nên đã tạo nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18 triệu đồng (năm 2011) lên 31,5 triệu đồng (năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 8 % và không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Cùng với đó đã huy động được hơn 174 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh chiếm tỷ lệ 18,67%; ngân sách huyện và xã 12,7%, còn lại là nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà cửa. Với nguồn vốn trên xã đã tập trung đầu tư nâng cấp và xây mới được hơn 40 km đường giao thông, trong đó đường liên xã rải nhựa được hơn 6 km, đường trục thôn, liên thôn 21,6 km, cứng hóa được 12,5 km đường ngõ, xóm kết hợp đường nội đồng và kiên cố hóa được 16,5 km kênh mương nội đồng. Đồng thời xây mới được 2 nhà văn hóa thôn, khu hiệu bộ trường THCS 2 tầng 8 phòng, xây mới 9 phòng học trường mầm non, trung tâm văn hóa xã, nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ, sửa chữa 5 nhà văn hóa thôn...
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn chia sẻ: Để chương trình xây dựng NTM phát huy hiệu quả bền vững, từ khi về đích, cấp ủy, chính quyền xã Lương Sơn, luôn xác định sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, nhà văn hóa thôn, tạo nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân.