Khởi nghiệp quốc gia

Lưu ý với các dự án khởi nghiệp trước khi tranh tài

Thanh Hương 28/11/2024 14:23

“Tôi tin tưởng rằng thông qua Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp Quốc gia - VCCI, nhiều dự án có chất lượng sẽ được phát hiện và triển khai thành công trong thực tế”.

Đó là chia sẻ của giám khảo – cố vấn khởi nghiệp Nguyễn Xuân Duy - Giám đốc chiến lược - CSO của Công ty TNHH An Việt Nông, Thành viên Sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Dasuki Venture Capital, Ban Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Phú Yên. Ông cũng là một trong rất nhiều giám khảo được mời chấm tuyển chọn cho các dự án khởi nghiệp năm 2024.

20230525_152016.jpg
Anh Nguyễn Xuân Duy chia sẻ về kinh nghiệm cố vấn tại Khóa đào tạo kỹ năng cố vấn và hành trình mentoring tại Phú Yên, tháng 5/2023 (ngồi đầu tiên bên tay phải).

Dựa vào kinh nghiệm chấm các dự án, kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, kinh nghiệm cố vấn cho nhiều dự án và cả những bài học thất bại khi tham gia vào các dự án startup do bản thân anh vận hành và đầu tư, thông qua Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – đơn vị thường trực tổ chức Chương trình, anh Nguyễn Xuân Duy đã đưa ra một số lời khuyên dành cho các dự án lọt Top 20 chuẩn bị tranh tài ở vòng Bán kết và Chung kết năm 2024.

Thứ nhất: Xác định được động lực và đam mê dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp. Đây là yếu tố đầu tiên khi quyết định hành trình startup của mình. Bước đầu tiên là phải xác định rõ mục đích phát triển dự án của mình là gì? Động lực nào thôi thúc chúng ta thực hiện dự án này? Tầm nhìn và sứ mệnh của dự án mình tới đâu? Những giá trị cốt lõi của dự án mình là gì? Tất cả những điều trên cần được trình bày một cách rõ ràng và xúc tích. Nó cũng giống như khi chúng ta đi ra biển khơi mà không có la bàn chỉ đường thì không biết phương hướng nào để đi đến đích, rất chênh vênh. Vì vậy, các dự án muốn đi xa hơn và đi đến điểm cuối cùng của cuộc thi thì cần lưu ý đầu tư tâm huyết và trí tuệ vào phần này.

Thứ hai: Các dự án cần tập trung và đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc nghiên cứu thị trường. Đây là yếu tố căn bản, cốt lõi và cực kỳ quan trọng giúp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình có thể đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng và thị trường. Việc nghiên cứu sâu thị trường còn giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng từ đó xác định được định vị sự khác biệt của sản phẩm (VP), dịch vụ mà mình sẽ cũng cấp. Thêm vào đó, thông qua nghiên cứu thị trường sẽ giúp chúng ta có nhiều cải tiến, sáng tạo mang tính đột phát. Đây chính là các USP cho sản phẩm và dịch vụ mà mình sẽ đưa ra thị trường, thể hiện sự cạnh tranh vượt trội với các đối thủ khác. Các dự án cũng cần đầu tư thời gian và trí tuệ nghiêm túc xác định dung lượng thị trường (PAM, TAM, SAM, SOM) một cách chính xác và thực chất vì đây là một trong những chỉ số quan trọng thu hút nhà đầu tư.

Thứ ba: Định giá sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường là những vấn đề giúp các startup có thể tồn tại ở giai đoạn sớm khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu định vị sai và chiến lược chưa phù hợp thì có thể gặp phải nhiều vấn đề ngay từ đầu. Điều này dẫn đến sản phẩm, dịch vụ không tìm được chỗ đứng trên thị trường, không có khách hàng chào đón nồng nhiệt. Lời khuyên cho các dự án là cần đầu tư cả thời gian và trí tuệ để phân tích thị trường, phân tích đối thủ, nếu có thể thì cả phân tích PESTEL nữa. Từ đó, dự án mình mới có đủ thông tin để đưa ra quyết định định giá thích hợp và hiệu quả.

Thứ tư: Xác định và đánh giá dòng tiền của dự án. Hạn chế phổ biến nhất của các dự án đều liên quan đến vấn đề tài chính, phân tích dòng tiền và phân tích mức độ rủi ro tài chính của dự án còn thiếu và yếu. Một dự án kinh doanh thì phải thoả mãn nhiều yếu tố: vừa khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng phải khả thi cao về tài chính. Các dự án còn phải thỏa mãn thêm các yếu tố liên quan đến môi trường, tạo tác động xã hội và cộng đồng,… Đối với yếu tố khả thi tài chính thì các dự án hầu như chưa xác định và phân tích rõ dòng tiền (cash flow), tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án (PB, ROI, NPV, BCR, IRR,…), phân tích độ nhạy của dự án. Đặc biệt, một chỉ tiêu cực kỳ quan trọng nhưng phần lớn các dự án chưa tính toán và xác định được đó là tính toán và phân tích điểm hòa vốn (BEP). Bằng việc xác định được BEP sẽ giúp startup xây dựng các chiến lược về vận hành, PR, marketing và sales.

Thứ năm: Tăng cường trải nghiệm để tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến. Đây là những yếu tố rất quan trọng giúp các dự án hoàn thiện xuất sắc dự án của mình và thuyết phục được ban giám khảo, các nhà đầu tư. Tôi thấy rằng phần lớn những dự án tham gia thi đều xuất phát từ những founder có kiến thức tốt, kỹ năng tốt và thêm phần king nghiệm thực chiến. Đó là một trong những lý do mà trong những thông tin yêu cầu các chủ dự án cung cấp khi đăng ký tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia hay hỏi đó là: Bạn đã thất bại bao nhiêu lần?n

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lưu ý với các dự án khởi nghiệp trước khi tranh tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO