Lý do chiến sự Nga- Ukraine còn kéo dài

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 18/02/2023 04:30

Cách thức hành động của Nga và Ukraine không dẫn đến việc kết thúc chiến sự Nga- Ukraine, ngược lại nó càng châm ngòi cho xung đột kéo dài.

Nga muốn giữ chặt 4 vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine

>>Trung Quốc rút ra bài học nào từ chiến sự Nga - Ukraine?

Lý giải vì sao chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, sự khác biệt về bản chất, mục tiêu của hai phe đã tồn tại ngay từ đầu. Càng ngày họ càng rốt ráo theo đuổi phương hướng riêng. Cuộc chiến tranh chỉ kết thúc khi các bên tìm thấy điểm chung.

Mở màn, Nga tìm cách đánh chiếm Ukraine một cách bất ngờ bằng cách sử dụng một phần đội quân hiện đại tham gia vào chiến dịch cơ động nhằm mang lại một chiến thắng nhanh chóng và quyết định.

Nhưng theo thời gian, cách đánh của quân đội Nga không còn bất ngờ, ngày càng phải dựa vào các trận địa pháo và các cuộc xung phong ồ ạt của bộ binh để giành đột phá chiến trường trong khi đẩy mạnh tấn công các thành phố của Ukraine.

Khi không đạt được mục tiêu quân sự, Moscow chuyển sang đánh phá hạ tầng năng lượng, dân sinh của đối phương. Khi bộ binh thất bại, họ lập tức sử dụng vũ khí từ xa.

Trong các khu vực mà các lực lượng Nga đang chiếm đóng, họ đang tìm cách áp đặt “Nga hóa” và đã xử lý nghiêm khắc những người bị nghi ngờ là gián điệp và phá hoại, hoặc đơn giản là bất đồng chính kiến thông qua các hạn chế và yêu cầu về ngôn ngữ, giáo dục và tiền tệ.

Tuy không có bất cứ phát biểu nào được đưa ra, nhưng với những diễn biến hai tháng nay cho thấy Moscow dồn toàn lực ưu tiên giữ vững Donbass. Có thể nói, chiếm giữ vùng lãnh thổ hơn 100.000km là cơ sở để Tổng thống Putin có thể tuyên bố chiến thắng “chiến dịch quân sự đặc biệt” và rút quân nếu nhận thấy bất lợi.

Như vậy, Điện Kremlin nhất quyết giữ lấy một phần lãnh thổ Ukraine. Đây là mấu chốt khiến mọi nỗ lực đàm phán đều rơi vào bế tắc do bất đồng quan điểm về lãnh thổ.

Chiến sự Nga- Ukraine sẽ kéo dài tới khi nào?

Quân đội Ukraine mạnh lên rất nhiều so với đầu cuộc chiến

Quân đội Ukraine mạnh lên rất nhiều so với đầu cuộc chiến

Trong khi đó, quân đội Ukraine được hỗ trợ huấn luyện, tiếp viện và trở nên sắc sảo hơn so với thời điểm chiến sự mới bắt đầu. Tổng thống Zelensky bắt đầu quen với việc điều hành một quốc gia trong thời chiến - điều mà ông từng tỏ ra hốt hoảng trong vài tuần đầu tiên từ khi Nga nổ súng.

Vị Tổng thống trẻ tuổi làm tốt nhiệm vụ một nhà ngoại giao con thoi, thuyết trình trước các nhà lãnh đạo phương Tây. Khi đồng minh chấp thuận yêu cầu hỗ trợ tối đa thì Kiev dần chuyển sang thế trận tấn công với tham vọng đẩy quân Nga khỏi lãnh thổ, thậm chí tuyên bố tái chiếm bán đảo Crimea.

Việc thu thập và tích lũy bằng chứng về hành vi nghiêm trọng của Nga đã khiến Ukraine càng quyết tâm hơn để đảm bảo rằng các vùng lãnh thổ này được giải phóng. Kiev đã sử dụng đến vũ khí pháp lý, gửi đơn kiện Nga lên tòa án quốc tế.

Nghịch lý đã xảy ra, cuộc tấn công của Nga không làm Ukraine yếu đi, mà điều đó chỉ khiến Mỹ và châu Âu càng can dự sâu hơn; củng cố thêm tinh thần chiến đấu của binh sĩ.

Ukraine đặt mục tiêu giải phóng hoàn toàn lãnh thổ, bao gồm Crimea, còn phía Nga đã hiến định 4 vùng lãnh thổ Ukraine thuộc về mình. Chiến sự chuẩn bị bước sang năm thứ 2 và không thể dự báo ngày hòa bình!

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc rút ra bài học nào từ chiến sự Nga - Ukraine?

    Trung Quốc rút ra bài học nào từ chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 17/02/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: “Vén màn” trật tự thế giới mới

    Chiến sự Nga - Ukraine: “Vén màn” trật tự thế giới mới

    04:00, 17/02/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nhiều hoài nghi về cuộc tấn công lớn của Nga

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nhiều hoài nghi về cuộc tấn công lớn của Nga

    04:00, 16/02/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

    Chiến sự Nga - Ukraine và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

    05:00, 14/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lý do chiến sự Nga- Ukraine còn kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO