Ngành logistics được dự báo sẽ chiếm 8 - 10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025 chính là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại nhập cuộc sân chơi này theo hình thức M&A.
Cụ thể, thị trường logistics Việt Nam còn được đánh giá là tiềm năng với vị trí chiến lược, thị trường rộng và dư địa lớn, bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc các nước đang đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp… sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam là những động lực thúc đẩy các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này diễn ra mạnh hơn tại Việt Nam.
Cái bắt tay giữa những “ông lớn”
Còn nhớ, năm 2017 thị trường logistics xôn xao về cái bắt tay giữa “nữ hoàng” logistics Việt Nam là Minh Phương Logistics - đơn vị lớn nhất trên thị trường giao vận - vận tải đường bộ Việt Nam với Samsung SDS - công ty con của tập đoàn Samsung thành lập một liên doanh mới.
Theo các chuyên gia, để lấn sâu vào thị trường logistics nội địa, nơi vận tải đường bộ chiếm tới 65% thị phần ở Việt Nam, có lẽ, Samsung không có cách đi nào nhanh hơn là liên doanh với Minh Phương.
Với chuyên môn của một nhà vận hành hệ thống hậu cần công nghệ cao trên toàn cầu, việc hợp tác với Minh Phương sẽ giúp các dịch vụ công nghệ thông tin và hậu cần của Samsung SDS thâm nhập vào ngành công nghiệp vận tải hàng hóa của Việt Nam.
Thương vụ này xuất hiện giữa lúc Việt Nam nổi lên là một trung tâm sản xuất mới với chi phí thấp, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhờ tiềm năng tăng trưởng tốt. Về phía mình, Samsung SDS kỳ vọng việc hợp tác này sẽ giúp mở rộng hoạt động trong ngành dịch vụ hậu cần ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ vận tải khác cho các sản phẩm như hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Ngoài ra, cùng với người đồng hương Samsung SDS đến từ Hàn Quốc, mong muốn lập liên doanh để logistics ở Việt Nam nhằm giành được thị phần trong nước, Tae Kwang Industrial Co. Ltd, một công ty dệt may và hóa chất dầu khí Hàn Quốc cũng đã mua lại cổ phần chi phối của “ông lớn” trong ngành vận tải biển và logistics là Công ty cổ phần Gemadept (GMD).
Trước đó, Quỹ đầu tư Warburg cũng thành lập liên doanh với Tổng công ty Phát triển công nghiệp Becamex để đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics với quy mô vốn 200 triệu USD.
Nới room cho nhà đầu tư
Xu hướng M&A trong ngành logistics đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2015 trên toàn thế giới. Theo thống kê của CEL Consulting, chỉ trong quý II/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A trong ngành logistics tại châu Á đạt 12 tỷ USD, ở châu Âu đạt khoảng 30 tỷ USD.
Tại khu vực châu Á, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì những giới hạn trong tỷ lệ cổ phần sở hữu mà những năm trước đây, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn hình thức liên doanh hoặc hợp tác chiến lược.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều phân ngành cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu cổ phần với tỷ lệ cao hơn, nên họ không ngại bỏ tiền đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng. Ngay cả đối với những phân ngành còn giới hạn tỷ lệ sở hữu, với xu hướng kinh tế mở cửa như hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài cũng vẫn có thể đầu tư với kỳ vọng dễ dàng tăng vốn đầu tư trong tương lai.
Ông Pieter Pennings - Giám đốc tư vấn của CEL Consulting nhận định: “Các thương vụ M&A sẽ đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu, giúp giảm phân mảnh thị trường”.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp Việt Nam, M&A cung cấp nguồn vốn lớn, tạo cơ hội chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý. Bằng việc đầu tư vào những doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động tốt, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Điều này giúp họ giảm được nhiều chi phí gia nhập thị trường so với việc bắt đầu xây dựng từ đầu.