“Tình trạng tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 lễ hội, tháng 3 rượu chè. Như vậy, mất cả 3 tháng dành cho hoạt động lễ hội, nhảy múa hát ca là lãng phí thời gian, tiền bạc người dân và xã hội".
Đây là góp ý của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI, sáng 9/5. Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo đánh giá việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, việc niêm yết giá các dịch vụ vẫn chưa được kiểm soát. Việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc trong nhân dân. Báo cáo dẫn chứng vụ việc Chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh lợi dung niềm tin của người dân thực hiện “lễ thỉnh vong oan gia trái chủ” nhằm mục đích thu lợi cá nhân gây bức xúc trong nhân dân.
“Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này”, ông Mẫn kiến nghị.
Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì thực tế ma chay, cưới xin, lễ hội khá rề rà, mức độ có phần tăng lên. Một năm chỉ có 4 Quý mà mất một Quý nhảy múa hát ca là không ổn. Ma chay ở nông thôn phức tạp lắm, có nơi không chỉ tổ chức 2, 3 ngày mà còn dài hơn. Có trường hợp cấp thôn, xã cố tìm ra ông nào đó để tôn vinh, tổ chức lễ hội thì làm ngày càng to với "cờ quạt trống chiêng".
Vẫn theo ông Trần Thanh Mẫn, người dân phản ánh trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video, hình ảnh về lối sống, hành vi phản cảm, bạo lực, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như Khá "Bảnh", Phúc "XO"... phát tán nhiều video và hình ảnh có tính chất "giang hồ" với mục đích đánh bóng tên tuổi. "Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng xã hội theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội", ông Mẫn nói.
Liên quan đến giáo dục, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành trong thời gian vừa qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập, việc chạy theo thành tích vẫn tồn tại. Các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân.
“Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết và đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội.
Cử tri cũng đề nghị cần thận trọng hơn trong việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp; có quy chế quản lý, hoạt động của các người đẹp sau khi đoạt giải, nếu vi phạm sẽ bị tước danh hiệu để đảm bảo tính nghiêm minh. Cử tri lưu ý, tránh tình trạng như vừa qua, tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng chưa đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi dẫn đến một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đoạt giải.
Điển hình như thời gian qua có một số vụ người đẹp đoạt giải vi phạm pháp luật như môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với danh hiệu đạt được...Việc này tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục nhất là hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Đồng tình với phản ánh của cử tri, Bộ VH-TT&DL nhận thấy, hiện nay một số quy định của pháp luật đối với tổ chức, quản lý hoạt động thi người đẹp đã không còn phù hợp. Hiện Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế các quy định còn bất cập này, trình Chính phủ trong năm 2019.