Thái Nguyên là một trong tỉnh miền núi phía Bắc được đánh giá có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, với những dự án lớn của các Tập đoàn như Masan, Samsung…
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 diễn ra ngày 1/7/2018, sự kiện vinh dự đón sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đông đảo lãnh đạo các cơ quan ban ngành, đại diện hai Tập đoàn đầu tư lớn Masan và Samsung, đã chia sẻ kế hoạch đầu tư kiến nghị chính sách, tiếp tục cam kết đồng hành cùng Thái Nguyên.
Theo ông Shim Won Hwan, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, “là người đi cùng lịch sử của Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên (SEVT, Samsung Electronics Vietnam Thai Nguyen) từ khi quyết định đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên, đến khi thành lập pháp nhân, xây dựng nhà máy cho đến hiện nay, hơn ai hết, tôi hiểu được quá trình trưởng thành của của chúng tôi và tỉnh”.
Theo đó, ông đánh giá, để có được SEVT lớn mạnh như hôm nay, xuất phát từ 4 yếu tố hỗ trợ phía địa phương.
Thứ nhất, sự nhiệt huyết và quan tâm của lãnh đạo tỉnh. “Khi chúng tôi lựa chọn địa phương để đầu tư, chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều tỉnh thành trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Điểm khác biệt nhất của Thái Nguyên với các địa phương khác ở chỗ lãnh đạo chính quyền địa phương rất tích cực và nhiệt huyết. Thời điểm đó, văn phòng của chúng tôi nằm ở nhà máy Bắc Ninh vốn đã đi vào hoạt động từ trước đó. Khi đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đến thăm văn phòng chúng tôi nhiều lần và bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư, thể hiện nhiệt huyết và tích cực đến nỗi chính tôi đã bị thuyết phục”.
Thứ hai, là yếu tố cơ sở hạ tầng: Tỉnh Thái Nguyên nằm cách sân bay Nội Bài chỉ 30 phút, Thái Nguyên và Hà Nội cũng được kết nối bởi tuyến cao tốc nên rất thuận tiện cho nhân viên đi làm cũng như vận tải, lưu chuyển. Ngoài ra cơ sở hạ tầng điện, nước cũng được cung cấp rất tốt.
Thứ ba, việc thu hút nhân lực tại đây khá tốt. Tỉnh Thái Nguyên nằm ở trung tâm của khu vực miền Bắc nên việc cung cấp nhân lực của địa phương cũng như các tỉnh thành lân cận là khá thuận lợi. Đặc biệt tại Thái Nguyên có 7 trường đại học và cao đẳng, cái nôi của rất nhiều nhân tài ưu tú.
Thứ tư, tấm lòng của người dân. Vị Giám đốc Tổ hợp có đóng góp 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập của VN ở 2017 cho biết tại SEVT, có rất nhiều nhân viên quê ở tỉnh Thái Nguyên, nhưng cũng có nhiều các nhân viên trẻ từ các nơi xa là tỉnh thành khác đến làm việc. Tấm lòng hiếu khách và quan tâm của người dân địa phương theo đó chính hỗ trợ, giúp DN yên tâm khi làm việc.
Được biết, sau 4 năm đi vào sản xuất, quy mô nhân lực của SEVT đạt tới 70.000 người, mục tiêu xuất khẩu năm nay là 22 tỷ USD, là 1 trong những DN lớn nhất của Thái Nguyên cũng như của Việt Nam.
Ở góc độ đại diện cho một trong những nhà đầu tư trong nước lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng là một trong những tập đoàn tư nhân lớn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, trước sự chứng kiến của đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngoài nước, Tập đoàn Masan (Masan Group, MSN) cũng cam kết sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành với sự chuyển mình của Thái Nguyên.
Phát biểu tại sự kiện khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư, ông Nguyễn Đăng Quang-Chủ tịch Tập đoàn Masan xúc động chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ vào ngày 18/6/2010 tại Thái Nguyên, sau khi tiếp nhận lại từ doanh nghiệp nước ngoài với cam kết triển khai thành công dự án Núi Pháo, Tập đoàn Masan đã làm Lễ tái khởi động dự án Núi Pháo với sự tham dự của vài chục cán bộ công nhân viên tràn đầy khát vọng, nhiệt huyết và hừng hực niềm tin “Vietnam Can Do” – Việt Nam có thể thực hiện thành công Dự án vô cùng lớn và đầy thách thức này. Cũng vào đúng vào ngày 18/6/2018 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức lễ kỷ niệm 8 năm tái khởi động dự án với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, các đối tác kinh doanh và đại diện các ban ngành địa phương… Nhưng không chỉ niềm tin vào tương lai, và chính mình, mỗi chúng tôi còn tràn đầy niềm tự hào về những điều đã làm được. Hàng ngàn nhân viên của Masan tự hào đã góp phần đánh thức mỏ Núi Pháo và đưa vào vận hành thành công mỏ vonfram lớn nhất thế giới của Việt Nam”.
Tại Thái Nguyên, Núi Pháo hiện đang là dự án đầu tư lớn của Masan, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Với dự án này, Masan đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc với doanh thu năm 2018 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc, đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015-2017. Hàng năm, Masan cho biết Tập đoàn cũng đóng góp 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội tại Tỉnh Thái Nguyên.
“Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp của Việt Nam - vì Việt Nam. Và là doanh nghiệp thành công ở Việt Nam. Hiện nay, dự án Núi Pháo đang sử dụng hàng trăm chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm vận hành mỏ, chế biến và tinh luyện công nghệ cao và đã tạo ra hơn 2.000 lao động trong nước và tại địa phương, xác lập chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam”, ông Quang nói.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn này, Masan, cùng với các thành viên trong đó có người dẫn dắt cuộc chơi vofram toàn cầu - Masan Resources, đã nỗ lực làm tốt nhất công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ dân sinh vì mục tiêu phát triển bền vững. Tập đoàn Masan đến nay đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư như Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và Đồng Bông. Các khu tái định cư này được đánh giá là cảnh quan đẹp và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt nhất tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, Masan cũng đồng hành, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế. Đã có khoảng 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình của Masan. Đến nay, hoạt động của nhà máy đã đạt kỷ lục vận hành 18 triệu giờ lao động không có tai nạn lớn và đưa dự án Núi Pháo trở thành một trong những nhà máy an toàn nhất thế giới trong ngành khoáng sản, được phái đoàn APEC đến thăm như một dự án điển hình về vận hành khai thác khoáng sản.
Có thể nói, với dự án Núi Pháo và sự nỗ lực vươn lên dẫn dắt thị trường Vofram toàn cầu của Masan Resources, lần đầu tiên, thế giới đã biết đến Việt Nam ở vị thế quốc gia có thể gây ảnh hưởng lên bản đồ tiêu thụ toàn cầu một lĩnh vực nguyên liệu - đầu vào cấp cao cho bộ vi xử lý của những sản phẩm thuộc “kỷ nguyên mới” như máy tính, điện thoại thông mình, động cơ máy bay, hay một phần của các lĩnh vực trọng yếu như cơ sở hạ tầng…
Cũng tại sự kiện, Tập đoàn Masan kiến nghị với lãnh đạo Tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan ban ngành tiếp tục hỗ trợ toàn diện như đã từng hỗ trợ Masan trong thời gian qua. “Do mỏ Núi Pháo là mỏ đa kim, công nghệ chế biến phức tạp, sản phẩm của Công ty đã được Bộ Công thương chứng nhận là sản phẩm công nghiệp và Giấy chứng nhận Công nghệ cao trong chế biến sâu, chúng tôi đề xuất Tỉnh Thái Nguyên, Tổng cuc thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Tài nguyên khoáng sản Bộ Tài nguyên Môi trường có chính sách nhất quán và hướng dẫn cụ thể, sát tình hình thực tế, phù hợp với đặc thù là mỏ đa kim để doanh nghiệp duy trì môi trường ổn định trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa, giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên”, Tập đoàn Masan đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
00:33, 02/07/2018
14:41, 01/07/2018
13:00, 01/07/2018
20:50, 30/06/2018
Riêng lãnh đạo của Tổ hợp Samsung Việt Nam thì bày tỏ mong muốn khi chính quyền thực thi các luật, cơ chế hay thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, thì “tạo điều kiện để doanh nghiệp có khả năng dự đoán được”.
“Trong quá trình kinh doanh, có những quy định không có trong luật hoặc không rõ ràng nên chúng tôi phải hỏi các cơ quan nhà nước, để nhận được câu trả lời thì nhanh cũng phải mất 2-3 tháng, lâu thì có trường hợp hơn 2 năm. Ngoài ra, khi áp dụng luật hay cơ chế nào đó mới hoặc sửa đổi, có trường hợp thực hiệu lực hồi tố. Những yếu tố này là những rủi ro lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường doanh nghiệp trên toàn cầu hiện nay đang biến đổi một cách nhanh chóng. Nếu các thủ tục pháp luật, cơ chế, hành chính mất nhiều thời gian, không đưa ra được quyết định cuối cùng sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị trở ngại rất lớn”, ông Shim Won Hwan bày tỏ.
6 tháng 2018, theo Cục Thống kê Thái Nguyên, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn ước đạt 9,85%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,17%; nông lâm nghiệp thủy sản tăng 3,4% và khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 6,6% - tiếp tục giữ khả năng vượt nhiều chỉ tiêu so với kế hoạch và so với nhiều địa phương.
Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương đang hưởng thành quả từ cú hích của các nhà đầu tư lớn như Masan, Samsung, với các sản phẩm đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn. Ước tính, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng 2018 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 11,7% so với 6 tháng đầu năm 2017 và bằng 52,2% kế hoạch cả năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu địa phương ước đạt 151 triệu USD, tăng 19,7% so cùng kỳ, bằng 40,4% kế hoạch cả năm; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 12,9 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ và bằng 52,4% kế hoạch cả năm.