Vấn đề lương tăng, giá cả cũng tăng theo đã lặp lại trong nhiều năm gần đây và lần này cũng không ngoại lệ.
>>Không để tiền tăng lương chuyển thành tiền đóng thuế
Trước ngày chính thức áp dụng tăng lương từ 1/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Tuy nhiên, hơn 2 tuần ngày áp dụng chính sách lương mới, một số loại hàng hóa tiêu dùng đã rục rịch tăng giá.
Theo khảo sát của báo Kinh tế đô thị tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, cơ bản các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá nhẹ, trừ mặt hàng thịt lợn tăng giá mạnh khoảng 20.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ, sườn thăn, nạc vai tăng từ 120.000 lên thành 140.000 đồng/kg. Đối với các loại thịt gà công nghiệp dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg; thịt gà ta từ 120.000 - 140.000 đồng/kg; thịt bò từ 220.000 - 280.000 đồng/kg; trứng từ 25.000 - 40.000 đồng/chục và các loại rau, củ tăng giá nhẹ khoảng 10%…
Còn theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ như: Yên Duyên (quận Hoàng Mai), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng)... giá thịt lợn ba chỉ, bắp giò… đã tăng từ 120.000 - 130.000 đồng/kg trong tháng 6/2024 lên 150.000 đồng/kg hiện nay; giá rau xanh cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/mớ…
Tại hầu hết các chợ hiện nay, các loại thịt đều tăng giá, thịt ba chỉ dao động 140.000 - 160.000 đồng/kg, sườn non từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 20 - 30% so với đầu năm và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giò heo, nạc dăm, thịt mông, nạc vai... cũng tăng thêm 20.000 đồng so với ba tháng trước và khoảng 10.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Để giữ ổn định giá cả thị trường, mới đây Bộ Tài chính đã nêu giải pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm để người được tăng lương thụ hưởng thực chất. Trong đó, nhấn mạnh tới việc giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá; Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Động thái này của Bộ Tài chính nhằm để giữ ổn định giá cả, không để "giá tăng theo lương. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn khi đối mặt với tâm lý thị trường và thực tế cho thấy trên thị trường nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cần thiết hàng ngày đã tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, từ nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực. Đặc biệt, sau khi tăng lương, giá lại tiếp tục có lần điều chỉnh tăng một lần nữa. Việc tăng giá theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Về các kênh phân phối, việc tăng giá thường diễn ra trước tại các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối… Còn các siêu thị, trung tâm thương mại, giá cả hàng hóa được giữ ổn định hơn do các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng từ trước đó. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn thị trường đã được các địa phương hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ giữa năm trước nên giá được giữ ổn định hơn.
Trước lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.
Theo tính toán của TS. Nguyễn Đức Độ, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết dù nửa cuối năm tăng lương cơ sở tới 30%, cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều người lo rằng lạm phát rất cao nhưng điều này không đúng. Bởi thực tế, việc tăng lương cho công chức, viên chức chỉ là số ít và cũng tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và nền kinh tế.
“Việc tăng lương có thể có tác động tâm lý người dân, điều này khiến giá cả hàng hóa nhích tăng, đặc biệt do các tiểu thương hay tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định trong thời gian tới”, ông Thịnh khẳng định.
Có thể thấy, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ các kịch bản để ứng phó với tình trạng tăng lương – tăng giá. Cùng với điều chỉnh tăng lương, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm nhiều loại thuế phí… cũng như bám sát diễn biến thị trường để điều hành giá phù hợp, linh hoạt.
Thống kê, 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng bình quân 4,08%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội giao Chính phủ năm 2024 dưới 4,5%. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, tới đây áp lực tăng giá khi tăng lương sẽ giảm nhiều, mang lại niềm vui cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 12/07/2024
22:27, 06/07/2024
03:30, 06/07/2024