Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn trong việc bán lại nhà đất, thậm chí đánh mất cơ hội ra hàng với giá tốt vì vướng thủ tục pháp lý.
Cuối năm 2016, ông Nguyễn Quý Bình (Tân Thành, Tân Phú) có mua một mảnh đất rộng gần 1.500m2 trên đường Nguyễn Văn Quá. Lô đất có pháp lý rõ ràng và được phép xin chuyển mục đích lên thổ cư, tách thửa (các lô bên cạnh đều đã được chuyển mục đích sử dụng từ 2015).
Do chắc chắn pháp lý nên đầu năm 2017 ông Bình đã ký giấy tay sang nhượng trước cho nhiều người khác, thu hết 90% tiền mua đất và an tâm chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, khi giá đất tăng cao, chủ cũ của lô đất cho biết vẫn chưa thể làm xong thủ tục tách thửa dù đã chuyển được mục đích sử dụng sang thổ cư và chuyển nhượng lô đất sang tên ông Bình.
Được biết, nguyên nhân là do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (TM&MT) đang quá tải lượng hồ sợ đình trệ nên dù lô đất đã có thủ tục đầy đủ, ông Bình vẫn phải chờ đến lượt được giải quyết.
Trong khi thủ tục bị ách lại, khách đã mua đất của ông Bình liên tục hối thúc giấy tờ để xây dựng, người khác thì muốn sang nhượng, cũng có người đòi lấy lại tiền và bắt ông bồi hoàn giá đất bằng với giá thị trường hiện tại. “Giá đất hiện đã tăng thêm gần 20-30%, nếu bồi hoàn lại với giá này tôi sẽ mất oan một khoản tiền. Nhiều người còn có ý định kiện tôi ra tòa vì đã qua thời điểm cam kết mà giấy tờ chưa có”, ông Bình chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh trên, bà Nguyễn Thị Thu - sinh sống tại Xuân Thới Thượng, Hóc Môn cho biết chỉ vì đình trệ thủ tục mà bà mất cơ hội bán lại lô đất của mình với giá tốt. Được biết, bà có mua lại từ ông Sính (Phú Nhuận) 2 lô đất 400m2 trên một mảnh đất 1.200m2 mà ông này mua chung với vài người quen tại Hóc Môn. Năm 2014 đất đã hoàn tất lên thổ cư tách thửa xong nhưng chưa sang tên mà do ông Sính đứng tên hết các lô. Nghĩ mọi việc đã xong xuôi, bà Thu chuyển toàn bộ tiền cho ông Sính với giá 4 triệu/m2 và chuẩn bị cất nhà trong khi đợi thủ tục sang tên.
Tuy nhiên, do có người mua chung kiện cáo về vấn đề diện tích tách thửa sai, lô đất phải gộp sổ lại để làm bản vẽ mới và đến bây giờ, thủ tục vẫn chưa được giải quyết vì Phòng TN&MT chưa duyệt bản vẽ tách thửa. “Đầu năm nay do cần tiền, tôi buộc phải bán lại đất với giá chỉ 6 triệu/m2 dù đất thổ cư tại khu này đã lên đến 10 triệu/m2. Do đất của mình vẫn chưa tách thửa được và chấp nhận đứng tên chung nên người ta ép giá và mình thì cần tiền nên đành chịu” - bà Thu nói.
Hàng ngàn hồ sơ tồn đọng chờ giải quyết
Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ gặp khó khăn và mất nhiều cơ hội bán lại đất với giá tốt chỉ vì vấn đề thủ tục pháp lý, tách thửa và xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó khăn.
Theo một nhà đầu tư tại quận 12, mục đích ban đầu khi ông mua khu đất rộng chủ yếu là để tách thửa bán lại kiếm lời. Nhưng giờ ngược xuôi gần 2 năm trời, hồ sơ tách thửa huyện mãi chưa giải quyết xong dù theo luật, đất đủ điều kiện tách thửa. Cuối cùng, nhà đầu tư này chấp nhận bán cả lô đất diện tích lớn với giá thấp hơn thị trường để thu hồi vốn thay vì tiếp tục cầm cự chờ thủ tục. “Đất diện tích lớn khó kiếm người mua vì bán nguyên lô chi phí cao. Nếu tách được thửa chắc chắn bán dễ và được giá hơn”, nhà đầu tư này cho biết.
Theo số liệu báo cáo của UBND TP.HCM hiện chỉ riêng huyện Bình Chánh, Hóc Môn đã tồn hơn 1.000 hồ sơ tách thửa vì có liên quan đến đất quy hoạch dân cư xây mới và đất quy hoạch hỗn hợp. Các quận, huyện cũng không thống nhất trong công tác quản lý, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận và tách thửa cho dân.
Nhiều hộ dân tại huyện Hóc Môn phản ánh, hơn một năm qua UBND huyện Hóc Môn đã ngưng cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất và ngưng giải quyết nhu cầu tách thửa trên địa bàn đối với hơn 1.000 hồ sơ. Động thái này khiến hàng ngàn người dân có nhu cầu cấp GCN không nộp được hồ sơ hoặc hồ sơ bị ứ đọng ở UBND huyện Hóc Môn.
Gần đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo giao 24 quận, huyện cần hoàn thành việc thực hiện đăng ký, cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Cụ thể, phải hoàn thành việc cấp GCN đối với các trường hợp đủ điều kiện.
Đối với các quận, huyện có số lượng hồ sơ nhiều thì chủ động xây dựng phương án tuyên truyền, tổ chức cho người sử dụng nhà, đất kê khai đăng ký, cấp GCN tại UBND xã, phường, thị trấn mà không chờ người dân đến làm thủ tục theo nhu cầu. Sở TN&MT cần thành lập đoàn công tác hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn; theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch cấp GCN với số liệu, chỉ tiêu cụ thể cho từng quận, huyện.