90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do bản thân các start up thiếu kỹ năng và kinh nghiệm, điều đó chỉ ra rằng start up phải tìm được cho mình một mentor để cùng đồng hành.
Ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp, ngay cả khi bạn đã có một ý tưởng tuyệt vời nhưng chắc chắn bạn sẽ vấp phải vô vàn những rào cản, ví dụ: Mình có thật sự đang đi đúng hướng? Ý tưởng này phải được triển khai thế nào đây? Ai có thể trở thành người đồng hành cùng với mình? Lúc đó, chắc chắn bạn sẽ cần một ai đó chia sẻ giúp bạn những suy nghĩ đang rối lên trong đầu. Ngoài ra, với những dự án, ý tưởng của mình, bạn rất cần một ai đó đặt những câu hỏi giúp bạn tự nhận ra hướng đi nào là tốt, chỉ ra được cho bạn đâu là thiếu xót cần khắc phục, lúc đó là lúc bạn cần một Mentor.
Ở những giai đoạn tiếp theo, kể cả khi những dự án khởi nghiệp đã đi vào thực tế thì những vấn đề khó khăn của kinh doanh sẽ bắt đầu nảy sinh: tạo dựng chiến lược cho doanh nghiệp, khả năng bán hàng, cân đối tài chính, quay vòng vốn, giải quyết khiếu nại khi bán hàng, vấn đề pháp lý… sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn, lúc đó là lúc bạn cần một Mentor.
Ngay cả khi doanh nghiệp của bạn đã dần đi vào ổn định, bắt đầu hoàn vốn và sinh lời thì lúc đó một câu hỏi thường trực sẽ vẫn xuất hiện trong đầu bạn rằng làm thế nào để doanh nghiệp có thể phát triển nhanh hơn nữa, mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa, thậm chí làm thế nào để đóng góp nhiều hơn cho lợi ích cộng đồng, lúc đó là lúc bạn cần một Mentor.
Như vậy, khởi nghiệp cần mentor đặc biệt là khi các ý tưởng/dự án của bạn còn nằm trong "trứng nước", đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành bại của dự án. Tuy nhiên, theo nghiên cứu tỉ lệ thất bại của các dự án khởi nghiệp lên đến con số 90%, do đó bạn thực sự cần một ai đó cùng bạn định hướng, giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, một người bạn đưa câu hỏi và đưa ra những góp ý để bạn tự định hướng lại cuộc đời và sự nghiệp của mình. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những start up được mentor bởi các nhà khởi nghiệp thành công có doanh thu, doanh số cao hơn và có nhiều khả năng gọi vốn hơn. Một nhà sáng lập start up cần mentor vì họ có những kiến thức chuyên môn mà start up không có, đồng thời họ có thể giúp các nhà sáng lập đưa ra những định hướng phát triển cho tương lai, đưa ra quyết định khó khăn và vượt qua những gian khổ trong việc xây dựng một doanh nghiệp.
Thấu hiểu được tầm quan trọng đó, nằm trong khuôn khổ cuộc thi Business Challenges 2019 mang chủ đề Phá vỡ giới hạn, vừa qua, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tiếp tục tổ chức thành công sự kiện Matching Mentors Day, vớimong muốn giúp các đội thi nhận được sự tư vấn và đồng hành của các mentors ngay từ khi khởi động dự án, giúp các ý tưởng dự thi được hiện thực hóa một cách hiệu quả nhất. Với những mong muốn đó, chương trình đã quy tụ được 25 mentors là các chủ doanh nghiệp, doanh nhân đã thành công trong rất nhiều các lĩnh vực kinh doanh như: giáo dục, đầu tư thương mại, bất động sản... đồng thời, các mentors có nhiều thế mạnh khác nhau như: công nghệ, luật, phát triển chiến lược kinh doanh... để giúp các đội thi có thể lựa chọn được những mentors phù hợp nhất đồng hành cùng với mình.
Mục tiêu chính của buổi kết nối, bao gồm: 15 đội thi chọn được mentors và người cố vấn phù hợp cho mình để đồng hành trong suốt thời gian còn lại của cuộc thi, nhằm phát triển dự án khởi nghiệp một cách hiệu quả nhất; Các mentors được lựa chọn các đội thi tiềm năng để truyền tải kinh nghiệm khởi nghiệp và kinh doanh, đóng góp vào việc ươm mầm một thế hệ doanh nhân trẻ có đủ tâm, tài và tầm; Tạo ra được một sân chơi kết nối giữa những doanh nghiệp khởi nghiệp, những nhà khoa học và các bạn trẻ để tăng cường trao đổi tri thức, rèn luyện kỹ năng, góp phần thúc đẩy môi trường khởi nghiệp của Việt Nam. Sau các phần tham quan gian hàng trưng bày, trình bày dự án của các đội thi, phản biện của hội đồng mentors,15 đội thi đã được các mentors đưa ra rất nhiều những gợi ý cho sự phát triển ý tưởng của dự án, đồng thời cũng nhận được nhiều góp ý để dự án có thể hoàn thiện hơn trước khi chính thức bước vào các vòng thi quan trọng tiếp theo.
Phần lớn người sáng lập của các dự án có mặt trong chương trình đều là các bạn sinh viên và mọi việc dừng lại ở mức độ ý tưởng hoặc sản phẩm chưa được tung ra thị trường vì còn gặp rất nhiều rào cản, những gì các bạn đang có là một ý tưởng hay, sự nhiệt huyết và một tinh thần quyết tâm. Tuy nhiên, để thành công không mọi việc không chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản như vậy, đằng sau đó là một loạt những bài toán khó cần có lời giải đáp và đôi khi bài toán đó vượt quá sức của các bạn sinh viên. Sau khi đã tham quan trực tiếp các gian hàng trưng bày và lắng nghe phần thuyết trình của các dự án, các mentors đã đưa ra được rất nhiều lời khuyên và định hướng phát triển sơ lược nhất cho các đội thi, nhiều ý kiến được các mentors đề cập đến phần lớn các đội thi chưa nghĩ đến hoặc chưa thực hiện.
Sau một khoảng thời gian lựa chọn, đa số các dự án có mặt tại chương trình đã tìm được một mentors đủ kinh nghiệm và đủ tin tưởng để cùng các dự án bổ sung những thiếu xót và vạch ra định hướng tương lai rõ ràng hơn, trở thành một người bạn trên con đường phát doanh nghiệp của mình.