Trước thực trạng chưa thành lập được Ban quản trị, nhiều chung cư từ cao cấp cho đến nhà bình dân đều rơi vào tình trạng mâu thuẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, đằng sau những mâu thuẫn, tranh chấp được đẩy lên cao trào là những góc khuất chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, một số hộ dân sinh sống tại chung cư 6th Element (Tây Hồ Tây – Hà Nội) cho rằng họ không đồng ý với việc đơn vị quản lý (hiện đang ký hợp đồng với Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà trong thời gian chưa thành lập được Ban Quản trị) tiến hành hạn chế dịch vụ cung cấp nước cho một số căn hộ đang thuê tại tòa nhà gây xáo trộn cuộc sống; phản ứng với các tình huống khẩn cấp như sự cố thang máy còn chậm, chưa kịp thời.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm cư dân này cho rằng mức phí quản lý vận hành chủ đầu tư đưa ra là không minh bạch nên đã không đóng phí từ 01/01 đến nay, đã tổ chức cầm băng rôn phản đối việc hạn chế dịch vụ cung cấp nước cho một số căn hộ đang thuê tại tòa nhà và tổ chức tụ tập đông người tại sảnh chung cư trong bối cảnh giãn cách chống dịch vào thời điểm chiều tối ngày 12/5.
Một số hộ cư dân cũng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị quản lý công khai minh bạch các khoản thu chi khi họ cho rằng mức phí đang thu 12,7 nghìn đồng/m2 và phí gửi xe ô tô là khá cao và chưa đầy đủ tiện ích như thông tin giới thiệu khi bán hàng.
Ở góc nhìn khác, trao đổi với DĐDN, nhiều khách hàng đã nộp đủ phí dịch vụ bày tỏ quan điểm hài lòng với mức phí và các dịch vụ cung cấp tại toà nhà. Bản thân nhóm cư dân này khẳng định không đồng tình với cách làm của nhóm cư dân căng băng rôn, nhóm này không phải là đại diện cho các cư dân tại tòa nhà.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện chủ đầu tư cho biết họ đã cố gắng thực hiện các yêu cầu từ phía nhóm cư dân đưa ra. Cụ thể, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà đã gửi thông báo tới cư dân về việc thu phí quản lý vận hành tòa nhà kèm bảng cấu thành đơn giá dịch vụ; đã tiến hành hai cuộc Hội nghị nhà chung cư, lần một do chủ đầu tư tổ chức và lần hai do UBND phường Xuân La tổ chức nhưng bất thành do một nhóm cư dân cố tình phá Hội nghị.
Chủ đầu tư cũng chia sẻ, trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài hai năm nay, một số tiện ích của toà nhà như trung tâm thương mại, sky bar từ các đối tác chưa triển khai được là do nguyên nhân bất khả kháng. Nhưng phí dịch vụ được thể hiện rõ trong hợp đồng là những khoản phí trả cho những dịch vụ cơ bản như điện, nước, bảo vệ, vệ sinh, và bộ máy vận hành...
Những tiện ích còn thiếu của chung cư không sử dụng chi phí từ nguồn phí dịch vụ thu từ cư dân. Chủ đầu tư đã miễn phí 1 năm phí dịch vụ, nhiều hộ gia đình không đóng phí dịch vụ trong 5 tháng liên tục khiến quá trình vận hành quản lý bị ảnh hưởng, và nếu kéo dài tình trạng này có nguy cơ các nhà cung cấp ngừng dịch vụ.
Chủ đầu tư cũng khẳng định việc thu phí 12,7 nghìn đồng/m2 là không có lợi nhuận. Vì không thành lập được Ban quản trị nên chủ đầu tư buộc phải quản lý. "Đề nghị UBND phường sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị để chủ đầu tư sớm bàn giao theo quy định của pháp luật" - Đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.
Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà đã làm việc với chính quyền địa phương và UBND phường Xuân La đã có báo cáo tình hình với UBND quận Tây Hồ và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn để đẩy nhanh quá trình thành lập Ban quản trị.
“Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của cư dân, cùng sự vào cuộc của chính quyền để đẩy nhanh quá trình thành lập Ban quản trị. Khi có Ban quản trị chính thức, việc vận hành quản lý sẽ do Ban quản trị và cư dân cùng quyết định, giải quyết được mâu thuẫn không mong muốn như hiện nay” – đại diện chủ đầu tư bày tỏ.
Chia sẻ với PV, một doanh nghiệp quản lý toà nhà có tiếng trên địa bàn Hà Nội tiết lộ, trong nhiều vụ tranh chấp tại các tòa nhà chung cư hiện nay không ít vụ được đạo diễn bởi một nhóm người có mục đích riêng thường là các thành viên ban quản trị lâm thời được các cư dân tín nhiệm bầu lên sau một thời gian đầu năng nổ hoạt động.
Phần lớn người dân đều đánh giá cao sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của những người tham gia hoạt động của chung cư. Tuy nhiên, không ít trường hợp “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, khi các thành viên trên được bầu vào ban quản trị sau thời gian đầu ghi điểm bằng sự năng nổ, nhiệt tình đã quay ra lo cho lợi ích riêng của mình.
Đơn cử, một dự án cao cấp ở Hà Đông, cư dân phải chật vật đấu tranh với chính Ban quản trị do mình từng tín nhiệm bầu ra. Sau khi Ban quản trị được thành lập, phía chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì chung cư và quyền quản trị theo quy định. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản, thay vì bảo vệ quyền lợi người dân thì Ban quản trị tòa nhà này lại có nhiều hành động khuất tất vấn đề quản lý quỹ bảo trì và các nguồn thu. Mới đây, cư dân dự án trên đã đòi miễn nhiệm Ban quản trị để chủ đầu tư đứng ra quản lý.
Ở góc nhìn văn hoá chung cư, ông Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng than thở: Xây dựng các khu dân cư, đô thị mới văn minh là việc không đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm không chỉ từ các cơ quan chức năng trong việc ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư; từ chủ đầu tư trong việc tuân thủ và nghiêm túc trong đầu tư và vận hành dự án. Đặc biệt, cần nhất là thái độ và ứng xử của cư dân, bởi sau cùng người dân mới là các nhân tố quyết định môi trường sống của cả dự án.
Có thể bạn quan tâm
Thanh tra 22 điểm nóng tranh chấp chung cư Hà Nội: Yêu cầu trả ban quản trị 250 tỷ đồng
16:41, 05/04/2021
GÓC NHÌN BẤT ĐỘNG SẢN: Tranh chấp chung cư - Chuyện "cơm bữa" khi pháp chế chưa đủ mạnh
12:44, 28/03/2021
Cấp bách hoàn thiện quy định pháp luật để giải quyết tranh chấp chung cư
12:30, 20/01/2021
Khó gỡ rối tranh chấp chung cư hỗn hợp
06:00, 01/09/2019
"Nóng" tranh chấp chung cư đô thị chưa xử lý
11:30, 04/06/2019