MB có thể “nhận chuyển giao bắt buộc” ngân hàng nào?

LÊ MỸ 07/04/2022 13:34

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2022 của ngân hàng Quân đội (MB), ngân hàng sẽ nhận Chuyển giao bắt buộc Tổ chức tín dụng trong năm nay.

COVID-19 thúc đẩy hoạt động thâu tóm, sáp nhập của doanh nghiệp Việt

Theo kế hoạch của MB, HĐQT cho biết, nhằm mục tiêu tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường, MB sẽ tìm kiếm, lựa chọn và triển khai Phương án nhận chuyển giao bắt buộc 01 Tổ chức tín dụng, theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN và Nghị quyết ĐHĐCĐ.

trình cổ đông là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 9.100 tỷ

MB cũng trình cổ đông là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 9.100 tỷ trong kỳ ĐHĐCĐ năm nay

 Với nguồn lực có chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể CBNV; MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công Phương án nhận Chuyển giao bắt buộc Tổ chức tín dụng, mở ra cơ hội để MB tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu Chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.

Xin chủ trương giao cho HĐQT quyền quyết định tìm kiếm đối tác và thực hiện M&A là một trong những nội dung đã gần như trở thành “thông lệ” của nhiều ngân hàng trong những năm gần đây, kể từ sau đợt tái cơ cấu ngành giai đoạn 1 với nhiều thương vụ sáp nhập tự nguyện và bắt buộc đã diễn ra.

Tuy nhiên, với trường hợp MB, việc trình chủ trương này và kỳ vọng thực hiện thành công cho thấy ngân hàng dường như đã có đích nhắm khá cụ thể.

Trên thị trường, việc  chuyển giao bắt buộc là trường hợp cơ quan quản lý sẽ “can thiệp” và chỉ diễn với những ngân hàng yếu kém, trong diện kiểm soát đặc biệt, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018, được Quốc hội thông qua năm 2017 (Luật các TCTD sửa đổi 2017).

Tại cuối 2021, ngành ngân hàng có 3 TCTD thuộc diện tái cơ cấu đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc 0 đồng là Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Cùng với đó, có ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt Đông Á Bank (DongA Bank, DAB). Ba ngân hàng do đang trong giai đoạn tái cơ cấu đặc biệt nên khá “im hơi lặng tiếng’. Trong đó, được biết các ngân hàng nhóm Big4 cũng đã tham gia hỗ trợ, có trường hợp cử nhân sự cấp cao đến tham gia tái cơ cấu. Cũng vì vậy nên mới có nhiều đồn đoán về các vụ M&A ngân hàng xảy ra trước đây, ví dụ gần nhất cuối 2021 thị trường có tin đồn VietinBank muốn nhận sáp nhập một ngân hàng yếu kém.

Thay đổi nhân sự tại OceanBank: Bình mới rượu cũ?

Trên thực tế, VietinBank và MB từng cùng “để mắt” đến một nhà băng vẫn đang làm ăn trồi sụt, và từng lên phương án sáp nhập tự nguyện theo hướng "ngân hàng trong ngân hàng", đó là PG Bank. Bản thân HDBank cũng có lương duyên hụt với PG Bank khi thậm chí đã trình ĐHĐCĐ phê duyệt chương trình sáp nhập và 2 bên đồng thuận tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập nhưng do lộ trình triển khai quá lâu, thương vụ này đã không còn được tiếp tục. Do đó, mọi con mắt hiện tại đang dồn về ngân hàng kiểm soát đặc biệt DongA Bank.

Đến 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần tự nguyện tham gia xử lý 11 Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi và 12 ngân hàng thương mại cổ phần tự nguyện tham gia xử lý Quỹ Tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, với DongA Bank, được biết VietinBank cũng tham gia hỗ trợ “xốc” lại ngân hàng này. Bên cạnh đó, thị trường đồn đoán một ngân hàng có trụ sở phía Nam đã gần như đạt được thỏa thuận kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, trong trường hợp tin đồn này chính là DongA Bank. Do đó, việc MB sẽ nhận chuyển giao ngân hàng nào, nếu đó không phải ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt cụ thể, thì vẫn là ẩn số.

Dù vậy, một số thông tin đã đặt ra những giả thiết: Liệu có hay không việc MB sẽ nối lại mối lương duyên từng đặt để với “người cũ”, khi nhà băng này cũng ngày càng đánh mất lợi thế M&A tự nguyện và "mất duyên" nhiều năm qua? Hay thị trường đã và đang xuất hiện nhà băng yếu kém, trong diện chuyển soát đặc biệt mà “chưa lộ” phía sau các hệ lụy của COVID-19, tác động nợ xấu và cho vay bất động sản, với những vụ bất động sản đầu tư vào ngân hàng, hay hai đợt khởi tố doanh nhân địa ốc gần đây? 

Ngoài ra, một chuyên gia cho rằng nếu nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng thì điều đó lại dường như lại khó tương khớp với kỳ vọng tăng tốc của MB đặt ra. 

Dù như thế nào thì chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Lê Văn Thành đối với ngành ngân hàng cuối 2021, đang thực sự được NHNN quán triệt các TCTD thực hiện và các nhà băng bước vào mùa ĐHĐCĐ năm nay, cũng đã "xắn tay áo" trình chủ trương vào thương vụ. Phó Thủ tướng đã yêu cầu năm 2022, ngành ngân hàng có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một là, tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực; hai là, có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.

Luật Các TCTD sửa đổi 2017 bổ sung các quy định cụ thể về đối tượng chuyển giao, nhận chuyển giao, điều kiện nhận chuyển giao, trình tự xây dựng, phê duyệt, nội dung phương án và tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Trong đó, đối tượng chuyển giao chỉ bao gồm Ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, bên nhận chuyển giao là TCTD hoặc nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao. Điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc bao gồm:

(i) Khi ngân hàng thương mại không xây dựng hoặc không được phê duyệt hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà không phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp được hoặc NHNN xét thấy ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo phương án đã được phê duyệt; (ii) giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ở mức âm; (iii) Có đề nghị của bên nhận chuyển giao.

Nội dung Phương án chuyển giao bắt buộc gồm: (i) Thông tin về bên nhận chuyển giao; (ii) Phương án tăng vốn điều lệ và thời hạn thực hiện; (iii) Phương án hoạt động kinh doanh phù hợp với thực trạng của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong từng giai đoạn; (iv) Phương án cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành; (v) Phương án xử lý tồn tại, yếu kém, nợ xấu, tài sản bảo đảm; (vi) Phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng khác; phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay tái cấp vốn được chuyển thành khoản vay đặc biệt; (vii) Phương án xử lý cổ phần, phần vốn góp của bên nhận chuyển giao tại ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt sau chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định áp dụng đối với TCTD không được kiểm soát đặc biệt hoặc xử lý pháp nhân đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt sau chuyển giao bắt buộc thông qua việc tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư mới, sáp nhập hoặc hợp nhất với TCTD khác; (viii) Biện pháp hỗ trợ cần áp dụng; (ix) Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
MB có thể “nhận chuyển giao bắt buộc” ngân hàng nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO