Hầu hết các ngân hàng đều công bố số lãi của 3 tháng đầu năm nay tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhiều doanh nghiệp đang gồng mình với các chi phí..
>> “Lột xác” Quỹ bảo lãnh tín dụng
Chia sẻ với DĐDN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, các tiêu chí cứng về điệu kiện tín dụng của hệ thống ngân hàng với các doanh nghiệp nên có sự “mềm hóa” trong phạm vi có thể, để giải phóng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
- Trong khi, rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, thậm chí thua lỗ, nhưng các ngân hàng vẫn lãi lớn. Ông có thể lý giải hiện tượng này?
Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống, bao gồm cả sản xuất và dân sinh, nhưng vẫn có những ngành được hưởng lợi như dịch vụ y tế, thương mại điện tử, logistics, đặc biệt là tài chính ngân hàng có sự tăng trưởng tích cực.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị đình trệ, thì đâu đó vẫn có dòng vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp và người dân gửi tại ngân hàng, do không có hoạt động quay vòng sản xuất kinh doanh, mà rõ nét nhất là các dịch vụ ăn uống, du lịch, giải trí, hay những lĩnh vực phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, giao thương buôn bán phi chính ngạch bị dừng lại.
Dù Nhà nước không có chủ trương nới lỏng các chính sách tiền tệ, cũng không muốn có động thái tăng lãi suất điều hành để giữ ổn định vĩ mô trước áp lực lạm phát từ các chi phí đẩy, nhằm giữ cho quá trình phục hồi kinh tế trong hai năm tới đây được tốt. Nhà nước cũng mong muốn kiềm chế việc tăng lãi suất, nhưng trên thực tế, nhu cầu về vốn và tín dụng chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Và như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lý giải được việc các ngân hàng ghi nhận lãi “khủng” từ năm ngoái và cả triển vọng lãi cho năm nay, đương nhiên trong đó có sự phân hóa...
- Ông có khuyến nghị gì trong việc điều tiết, chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro giữa ngân hàng và doanh nghiệp?
Gói hỗ trợ lãi suất 2% và chủ trương đã có trong Nghị quyết của Quốc hội thì phải đẩy nhanh, nếu không hiệu quả sẽ không còn giá trị nữa. Việc cần làm lúc này là có ngay những con số minh bạch, công khai, cụ thể về đối tượng, cách thức, cũng như điều kiện hỗ trợ.
Tôi cho rằng, việc hỗ trợ cần chọn đúng các lĩnh vực gặp khó khăn đang trong quá trình phục hồi như du lịch, các dịch vụ thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực yếu thế, dễ dàng bị các cú sốc từ bên ngoài tác động.
Đặc biệt, các tiêu chí cứng của ngân hàng về điều kiện cho vay, lãi suất cũng nên có sự “mềm hóa” trong phạm vi có thể, để giải phóng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn này. Đây là mối quan hệ tương hỗ hai bên cùng có lợi.
- Vậy đề xuất cụ thể của ông là gì?
Trong bối cảnh ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trong những tháng đầu năm, để chia sẻ gánh nặng tài chính cùng doanh nghiệp, phía ngân hàng nên bổ sung thêm các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, hỗ trợ khách hàng hoạt động trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề như: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Tuy nhiên, tạo tiền cũng là một vấn đề, trong đó, tăng cường huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giúp giảm chi phí vốn, là một trong những biện pháp cần được thúc đẩy mạnh. Đồng thời, các ngân hàng cần gia tăng nhiều dịch vụ với mức phí thấp để giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tiên Sơn: Để giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi, các doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay từ 2-3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới. Xem xét bổ sung vốn lưu động đối với các mục đích bù đắp chi phí, trích khấu hao tài sản cố định do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Ngoài ra, ngành ngân hàng nên nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình giá cả tăng cao. Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành: Trong bối cảnh “khát” vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế như hiện nay, các ngân hàng nên cấp thiết có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi nếu các doanh nghiệp chết thì ngân hàng sẽ phải chịu nợ xấu. Ngoài ra, tài sản doanh nghiệp thế chấp vào ngân hàng thường được định giá cực thấp so với thị trường, vay tối đa đến 70-80% giá trị. Ngân hàng cần tính toán cho doanh nghiệp vay thêm từ 15-20% vốn nữa, mà không cần phải thế chấp thêm tài sản. |