“Méo mó” không gian biển

TUẤN VỸ 22/08/2022 00:00

Trong quy hoạch vùng ven biển, hiện nay các địa phương đều chú trọng thu hút đầu tư hạ tầng, bất động sản, khu du lịch...

Nhưng lại thiếu đi các quy hoạch về sinh thái, dự án cộng đồng và các loại hình kinh tế biển khác.

>>Tầm nhìn quy hoạch không gian biển

 Xây dựng công trình cao tầng ven biển thái quá đang tác động tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc môi trường tự nhiên của địa phương và tối ưu hóa cảnh quan.

Xây dựng công trình cao tầng ven biển thái quá đang tác động tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc môi trường tự nhiên của địa phương và tối ưu hóa cảnh quan.

Thực tế hiện nay, đối với 28 tỉnh thành giáp biển, việc quy hoạch du lịch, các đô thị, khu kinh tế, công nghiệp... luôn hướng ra biển và coi đó là những cực phát triển kinh tế hàng đầu.

Tách bạch quy hoạch hạ tầng ven biển

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, việc quy hoạch du lịch theo hướng môi trường bền vững đang xung đột với cảng biển, công nghiệp,... Vì vậy, vùng biển dành cho du lịch cần được tách riêng biệt với vùng biển công nghiệp, logictics, mỗi vùng sẽ có một đặc điểm riêng, sức cạnh tranh riêng.

“Ngay từ giai đoạn đầu nghiên cứu, cần có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp để làm công tác quy hoạch rõ ràng. Khi làm quy hoạch, các đơn vị xây dựng quy hoạch cần tính toán mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư hiện hữu, công ăn việc làm cho người dân và phát triển không gian mở”, KTS. Ngố Viết Nam Sơn đề xuất.

Hiện nay, quy hoạch không gian du lịch ven biển, các công trình cao tầng thường được coi là điểm nhấn của đô thị, một xu thế của nền kinh tế du lịch biển tạo sức hút mạnh mẽ đối với du lịch địa phương. Tuy nhiên, xây dựng nhà cao tầng ven biển thái quá đang ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng đồng bộ kèm theo, tác động tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc đặc trưng của môi trường tự nhiên của địa phương và tối ưu hóa cảnh quan, khó nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch.

PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam cho rằng, các địa phương cần nâng cao chất lượng quy hoạch cho vùng ven biển, nhằm tạo sự đột phá mạnh và sức lan tỏa rộng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi địa phương đều có thể phát triển những đặc trưng văn hóa, đảm bảo phát triển bền vững văn hóa, tổ chức không gian đô thị đến từng công trình kiến trúc, tránh việc phát triển thiếu kiểm soát, sao chép.

“Quy hoạch chi tiết chạy đua theo phong trào khai thác chia lô, chiếm lĩnh toàn bộ không gian biển. Tổ chức môi trường ở còn ỉ lại các khu vực tự nhiên mà quên đi việc cải thiện môi trường, không gian tại các khu đô thị, cảng biển, khu công nghiệp ven biển. Những vành đai huyết mạch ven biển chưa có cơ hội kết nối sâu trong đất liền nên chưa phát huy hết các yếu tố gợi mở của biển”, PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên chia sẻ.

>>Quy hoạch không gian biển (Bài 1): Yêu cầu tất yếu trong bối cảnh mới!

>>Quy hoạch không gian biển (Bài 2): Khẳng định chủ quyền!

>>Quy hoạch không gian biển (Bài 3): Một số kiến nghị của nhóm chuyên gia

Đảm bảo tính kết nối

Việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ... là những thách thức đối với các địa phương ven biển. Theo đó, mỗi địa phương cần ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xay dựng.

Ths.KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) nhìn nhận quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ ở dải ven biển Nam Trung Bộ, nhất là khu vực Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai - Dung Quất, Nha Trang - Cam Ranh đã tạo điều kiện để để thu hút nhiều tập đoàn du lịch trong nước và quốc tế đổ vốn đầu tư. Thực tế, hầu hết các địa phương đều có cơ sở hạ tầng đầy đủ như sân bay, quốc lộ, đường sắt, có hạ tầng du lịch chất lượng cao với các khách sạn, resort 5 sao ngày càng nhiều đã thu hút được số lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.

“Tuy nhiên, quy hoạch kiến trúc cảnh quan vẫn đang thiếu các cơ sở khoa học để xây dựng mô hình và các giải pháp cấu trúc đô thị sinh thái du lịch biển Việt Nam. Bên cạnh đó, diện mạo kiến trúc chưa tạo được hình ảnh riêng, còn nhiều lúng túng, nhất là việc cấp phép xây dựng các tổ hợp công trình cao tầng quy mô lớn. Ngoài ra, các đô thị du lịch biển còn thiếu sự kết nối cảnh quan, tầm nhìn, hướng gió, bãi cát, mặt nước từ biển vào. Hình thức kiến trúc cũng thiếu tính liên kết đồng bộ”, KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp chia sẻ.

Về quản lý đô thị du lịch ven biển, hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch môi trường với quy hoạch các tuyến đường ven biển. Cùng với đó, việc thiếu những định hướng phát triển và quản lý kiến trúc - cảnh quan, chiều cao và hình thức tòa nhà, môi trường, khai thác tài nguyên biển đã dẫn đến diện mạo kiến trúc thiếu bản sắc, sự phát triển không gian tùy tiện, mất trật tự.

“Để phát triển nền kinh tế du lịch hiệu quả cần quy hoạch phát triển vùng lồng ghép kế hoạch phát triển du lịch và các lĩnh vực khác để khai thác du lịch biển đảo không mâu thuẫn với các ngành kinh tế như cảng, công nghiệp,... Bên cạnh đó, cần thiết tái cấu trúc không gian vùng ven biển hướng tới nền kinh tế du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kế thừa cấu trúc cũ để bảo tồn di sản văn hoá và thiết chế xã hội”, bà Diệp nói thêm.

“Tăng trưởng xanh đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Vì thế, phát triển kinh tế biển trong đó có du lịch nghỉ dưỡng rất cần hài hòa và đồng bộ giữa phát triển thị trường bất động sản với phát triển đô thị, giữ gìn các tiềm năng du lịch của địa phương, sử dụng thông minh nhất tài nguyên du lịch tự nhiên”, PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tầm nhìn quy hoạch không gian biển

    01:00, 16/07/2022

  • Trả lại không gian biển cho dân

    02:03, 14/07/2022

  • Trả lại không gian biển cho dân: Muộn còn hơn không

    10:01, 12/07/2022

  • Quy hoạch không gian biển (Bài 3): Một số kiến nghị của nhóm chuyên gia

    04:30, 19/05/2022

  • Quy hoạch không gian biển (Bài 2): Khẳng định chủ quyền!

    05:00, 17/05/2022

  • Quy hoạch không gian biển (Bài 1): Yêu cầu tất yếu trong bối cảnh mới!

    05:13, 16/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Méo mó” không gian biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO