Chính phủ đồng ý đề xuất gói 11 nghìn tỷ hỗ trợ giảm giá điện trước tác động của dịch bệnh, quyết định này đã giảm bớt cho doanh nghiệp một phần nỗi lo về chi phí.
Ông Hoàng Hải An – Quyền Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết: Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ các đối tác trong và ngoài nước nên khi dịch xảy ra và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không ít tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với nguyên vật liệu, trang thiết bị, nhân công thì điện và nước là những yếu tố cấu thành quan trọng trong chi phí sản xuất của công ty.
"Tiền điện công ty trả trong quý 1/2020 là 14 tỷ đồng (quý 1/2019 là 14,8 tỷ đồng). Do vậy thời gian tới nếu công ty được giảm giá điện theo chủ trương của Chính phủ thì chúng tôi ước chừng tiết kiệm được 10%, đồng nghĩa mỗi quý sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ đồng. Điều này quả là hết sức thiết thực đối với doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay", ông Hải An cho biết.
Ông Lê Công Ngọc – PGĐ công ty CP vận tải biển Falcon (Đình Vũ – Hải Phòng); Trung bình doanh nghiệp sử dụng điện mất 2 tỷ/ tháng. Nếu trong ba tháng được giảm 10% có nghĩa là doanh nghiệp được giảm bớt 600 triệu tiền chi phí. Đây là động thái hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.
Còn theo ông Phạm Thanh Bình kinh doanh sửa chữa ô tô tại Đình Vũ cho biết: Hiện nay chi phí mặt bằng, chi phí nhân công, điện, nước cao trước đại dịch này xưởng sữa chữa bị ảnh hưởng nặng nề, với mức tiền điện mỗi tháng khoảng 35-40 triệu đồng, trong 3 tháng 4,5,6, xưởng được giảm khoảng hơn 10 triệu đồng. Con số này tuy không lớn nhưng theo ông đó là sự chia sẻ rất lớn của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác của Hải Phòng đều chia sẻ, quyết định giảm giá điện là rất kịp thời, chính xác. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngành Điện trong lúc này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm động lực, thêm ý chí phấn đấu để nỗ lực vượt qua đại dịch, sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh sau khi dịch đi qua.
Chia sẻ với DDDN, lãnh đạo Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết: từ chủ trương, hướng dẫn về giảm giá điện đã được các Điện lực triển khai tới khách hàng. Công ty Điện lực Hải Phòng tổ chức in ấn, niêm yết công khai đơn giá và chính sách hỗ trợ giá bán điện tại các địa điểm giao dịch, trên website của các đơn vị; tính toán, huy động đủ cán bộ, nhân viên cần thiết để tham gia triển khai các công việc liên quan đến công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện, hỗ trợ giá bán điện do ảnh hưởng của bệnh dịch COVID- 19 và phối hợp, xử lý các yêu cầu của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Chính sách giảm giá điện lần này tập trung nhiều vào hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nhiều do tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, khách hàng sản xuất và kinh doanh được giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10%; khách hàng sử dụng điện sinh hoạt cũng được giảm 10% đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh/tháng).
Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế, khám chữa tập trung người bệnh nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị người bệnh nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly người bệnh nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.
Như vậy, các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly y tế tập trung được áp dụng một lúc 2 chính sách hỗ trợ: từ giá điện kinh doanh xuống bằng giá điện sản xuất và được giảm tiếp 20% tiền điện.
Ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện trong cả nước là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. EVN giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ khách hàng sử dụng điện. Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020 (ban hành ngày 9/4/2020), Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng theo đề xuất của Bộ Công Thương tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 1/4/2020.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 17/04/2020
08:36, 12/04/2020
12:48, 04/04/2020
19:43, 30/03/2020
Chiều 12/4, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin về việc giảm giá điện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống dịch COVID-19 trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Đây là thông tin tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trong thời điểm cả nước đang căng mình chống đại dịch COVID-19.
Theo Điện lực Hải Phòng; sẽ điều chỉnh giá bán điện do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 áp dụng theo kỳ hóa đơn, vì vậy đơn giá bán điện điều chỉnh sẽ được áp dụng cho kỳ hóa đơn tháng 4- 5- 6. Công ty chỉ đạo các đơn vị, trước khi phát hành hóa đơn tiền điện, rà soát kỹ việc tính toán hóa đơn đối với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng có nhiều mục đích giá, phân loại rõ các trường hợp được miễn, giảm tiền điện để tính toán mức giảm giá điện phù hợp nhất, bảo đảm công khai, công bằng, để doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ tiền điện ưu việt của Chính phủ, ngành điện.