Ngành du lịch xác định mở lại đồng thời và đồng bộ cả các hoạt động quốc tế và nội địa, do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
>>>MỞ CỬA DU LỊCH: Nới lỏng nhưng không buông lỏng
Phát biểu tại Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, cần xác định du lịch và hàng không là 2 cánh của máy bay.
“Khó khăn của du lịch cũng là khó khăn của hàng không, hai ngành này là hai ngành chịu tác động đầu tiên khi chiến tranh, dịch bệnh… Đại dịch lần này là đại dịch trăm năm mới có một lần, do đó, cần thời gian để hồi phục. Cần những hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi phục, những hỗ trợ cũng cần kéo dài trong 2 năm 2022, 2023 tới đây để doanh nghệp có thời gian hồi phục trong thời gian tới”, ông Phương cho biết.
Theo đó, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, đã có các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như vấn đề giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp du lịch hết năm 2023.
Bên cạnh đó, trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, Tổng cục Du lịch đã đưa ra Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến việt Nam, triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được hơn 10.000 lượt khách. Hiện chương trình đang ở giai đoạn 2, và dự kiến 15/3 mở cửa toàn bộ đối với du khách quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
“Các công việc chuẩn bị triển khai mở cửa như đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, việc liên quan xúc tiến sản phẩm… đã được tiến hành nhằm đảm bảo khi mở cửa lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều sẵn sàng đưa ra các sản phẩm đảm bảo”, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.
Hiện nay, phía ngành du lịch đã có soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch làm sao đảm bảo việc an toàn phòng chống dịch nhưng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách. Đồng thời áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo an toàn khoa học và hiệu quả.
“Chúng tôi biết Bộ Y tế đang soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, ví dụ như về khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch…, do đó, mong muốn trong điều kiện hiện nay, Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để ngành du lịch có thể áp dụng sớm mở cửa trở lại”, ông Phương cho biết.
>>>MỞ CỬA DU LỊCH: Đòn bẩy quan trọng phục hồi kinh tế
>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh
Bộ ngoại giao cũng đang đề xuất các phương án về thị thực nhập cảnh, Bộ Công an cũng đồng thuận tháo gỡ bỏ, tháo giỡ các khó khăn cho ngành du lịch, dừng các biện pháp hạn chế. Theo tinh thần hiện nay, chúng ta tháo gỡ rào cản về thị thực tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch.
“Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các Bộ ngành, chúng tôi sẽ tổng hợp, thực hiện thông suốt và đồng bộ giữa khách du lịch trong nước và quốc tế, các yêu cầu về điều kiện y tế đang được xem xét và Thủ tướng đã cho mốc 15/3, do đó, mong các cơ quan chuyên môn sớm có ý kiến để chúng tôi hướng dẫn triển khai”, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi thực hiện mở cửa hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới, ông Phương cho rằng, cần sự vào cuộc của các cơ quan trung ương địa phương, các bộ ngành và cơ quan chuyên môn, của cả cộng đồng du lịch bởi đại dịch suốt hơn 2 năm qua không chỉ khó khăn của du lịch Việt Nam mà của cả ngành du lịch thế giới.
“Theo đó, các vấn đề về thị trường, xu hướng du khách, nhu cầu và quan tâm của du khách đã thay đổi về mặt sản phẩm, các phương thức tham gia du lịch… đều đã thay đổi. Các doanh nghiệp cũng phải nắm bắt ngay các xu thế này, để có phương án marketing phù hợp, có các sản phẩm hấp dẫn với nhu cầu thay đổi của du khách”, ông Phương nhấn mạnh.
Cùng với đó, ngành du lịch xác định mở lại đồng thời và đồng bộ cả các hoạt động quốc tế và nội địa. Theo đó, song song thị trường quốc tế, thị trường nội địa được xác định là trọng tâm cần được quan tâm, do đó cần sự vào cuộc của các địa phương, tạo sự liên kết của doanh nghiệp đưa ra sản phẩm đồng bộ an toàn. Ví dụ: Sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, gắn với sức khoẻ, sản phẩm du lịch đêm, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới hay sản phẩm du lịch y tế, y dược cổ truyền… Đây là định hướng cho các địa phương tạo ra sản phẩm mới cần nỗ lực chung.
Theo ông Phương, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp cần hỗ trợ đào tạo. Song song với đó, các địa phương cũng cần chính sách làm mới du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp và có chính sách kích cầu đồng bộ.
“Khi chúng ta xác định rõ vai trò của các thành phần tham gia trong ngành, việc vào cuộc đồng bộ tạo các liên kết giữa các chủ thể sẽ tạo ra được sự hấp dẫn mới của du lịch Việt Nam cho khách quốc tế và nội địa. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, bởi khó khăn khởi nguồn là đại dịch, nay là chiến tranh, do đó phải đồng lòng và vào cuộc, nỗ lực nhiều hơn”, ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 11/03/2022
10:46, 11/03/2022
10:08, 11/03/2022
10:00, 11/03/2022
10:00, 11/03/2022