Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quyết định hoãn thuế 90 ngày với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng nhất trí 2 bên khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị 2 bên tiến hành trao đổi ngay.
Ngay từ thời điểm “nóng” nhất sau ngày 2/4, Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới điện đàm trực tiếp với Tổng thống Trump; Thủ tướng Phạm Minh Chính rốt ráo chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động tiếp cận và giải quyết vấn đề, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Liền sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc với vai trò là đặc phái viên của Tổng Bí thư - cùng phái đoàn doanh nghiệp đã sang Hoa Kỳ - mang theo thông điệp “duy trì quan hệ kinh tế - thương mại ổn định, bền vững, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai nước”.
Phái đoàn Việt Nam đã làm việc với đại diện thương mại Jamieson Greer, cùng một số nghị sĩ có tiếng nói; tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với các nhóm chuyên gia, trí thức, các doanh nghiệp lớn của hai nước, trong đó đã chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa công ty cổ phần hàng không Vietjet và công ty Air Finance của Hoa Kỳ.
Kết quả mỹ mãn, hai bên đã đạt được thống nhất mang tính bản lề: tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hoá của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.
Như các nhà lãnh đạo đã gợi mở, một trong những điều kiện đầu tiên tiến tới đàm phán là hạn chế thấp nhất rào cản phi thuế quan cho hàng hóa của nhau. Và cách tiếp cận đàm phán trên cơ sở giảm thuế sẽ là phương án đem lại lợi ích cho đôi bên.
Tổng Giám đốc hệ thống bán lẻ Di động Việt, Nguyễn Ngọc Đạt đánh giá: “các thương hiệu lớn của Mỹ như Apple, HP, Dell, Cisco, Garmin, Western Digital, Seagate... vốn đang chiếm tỉ trọng tiêu thụ rất lớn tại thị trường Việt Nam. Nhưng phần lớn sản phẩm của họ lại được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, do đó không được tính là nhập khẩu trực tiếp”. Việc giảm thuế và phi thuế quan mở ra cơ hội lớn cho các nhóm sản phẩm công nghệ chuyên dụng, thiết bị công nghiệp và công nghệ cao có xuất xứ từ Hoa Kỳ. Không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước giảm chi phí đầu tư mà còn thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó thị trường hàng hóa có thêm nhiều lựa chọn chất lượng hơn cho người tiêu dùng. Một số mặt hàng Hoa Kỳ có lợi thế xuất khẩu nhưng do mức thuế cao nên chưa nhập được nhiều từ Mỹ như; ô tô, dược phẩm, hoa quả, ngũ cốc, hóa chất...Việc miễn, giảm các loại thuế này giúp mỗi chiếc xe giảm giá phân nửa. Hoặc, với dược phẩm, thuốc men chất lượng cao đến từ Hoa Kỳ tạo điều kiện cho hàng triệu người bệnh, đặc biệt là người nghèo có cơ hội.
Ý nghĩa lớn nhất khi hàng ngoại nhập giá rẻ, chất lượng cao là hỗ trợ tiêu dùng cho người dân, nâng cao chất lượng sống.
Như vậy tăng trưởng kinh tế mới gắn liền với nâng cao đời sống người dân. Doanh nghiệp trong nước giảm được áp lực về giá nhập khẩu nguyên liệu.