Mô hình “5 hóa” của tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng

Theo Thanh Niên 02/01/2018 10:41

Trò chuyện với phóng viên, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã nói đến mô hình cụ thể “5 hóa”. Vậy 5 hóa ở đây là gì?

Theo ông Phạm Nhật Vượng: Thứ nhất là hạt nhân hóa. Mỗi lãnh đạo phải là hạt nhân, là người dẫn đầu, là thủ lĩnh.

Thứ hai là chuẩn hóa. Mọi thứ phải có tiêu chuẩn và đạt chuẩn. Không nơi này làm một kiểu, nơi kia làm một kiểu... Thậm chí chúng tôi chuẩn hóa đến từng mã hàng cho trung tâm mua sắm tập trung của VinGroup. Ví dụ trước đây miền Bắc mua lợn còn miền Nam mua heo nhưng bây giờ heo cũng được, lợn cũng được nhưng chỉ một tên thôi.

Thứ ba là đơn giản hóa: Lược hết các chức danh, các quy trình, quy định rườm rà cho bộ máy gọn nhẹ.

Thứ tư là tự động hóa. Đó là đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ thông tin vào quản trị, điều hành, và theo quan điểm của tôi một khi hệ thống đã chuẩn, đã đơn giản thì nhiều phần đã tự động vận hành được.

Cuối cùng là chia sẻ hóa. Trong nội bộ tập đoàn các công ty chia sẻ nguồn lực, việc gì làm chung được, làm tập trung được thì sẽ làm. Việc này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản trị và hiệu quả công việc.

Mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt vào top 500 người giàu nhất thế giới. Trong khi dư luận xôn xao bàn tán về danh hiệu này thì ông Vượng lại "thực sự không quan tâm" như chia sẻ với báo Thanh Niên trong cuộc trò chuyên đầu năm mới. Phải rất lâu kể từ tháng 6 năm 2013, khi được tạp chí Forbes vinh danh là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Vượng mới xuất hiện trả lời phỏng vấn báo chí.

Điều Chủ tịch VinGroup chia sẻ khá tâm huyết chính là về dự án Vinfast.

Về định hướng sản phẩm, ban đầu ông cho biết định đầu tư vào bánh kẹo, thực phẩm, bia rượu nước ngọt nhưng không có tiềm năng để xây dựng một thương hiệu đẳng câp quốc tế. Cuối cùng ô tô là sản phẩm được chọn.

Về tiềm năng thị trường, ông Vượng cho rằng thị trường ô tô dù đi sau nhưng có thể về trước. Ngoài ra thị trường xe điện mới diễn ra 9 năm kể từ khi Tesla công bố làm xe điện năm 2008. Vị tỷ phú này nhận định thị trường này sẽ bùng nổ và định hình lại ngành công nghiệp xe hơi . Điều này tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người tham gia vào sân chơi mới.

Cũng phải nói thêm về thị trường nội địa, theo các chuyên gia trong ngành công nghiệp, Việt Nam là thị trường tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á khi đáp ứng được cả 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số; mức thu nhập bình quân đầu người; số xe trung bình/1.000 dân. Trong khi các quốc gia khác đạt tỷ lệ vài trăm ô tô/1.000 dân thì ở Việt Nam, tỷ lệ sở hữu ô tô chỉ 23 xe/1.000 dân.

Về định hướng phân khúc, theo chia sẻ của ông Vượng trên báo Thanh niên, VinFast sẽ định vị dòng xe trung cao và ưu tiên nghiên cứu, phát triển đột phá ở xe điện. Tuy nhiên tỷ phú này cũng nhận định năm 2025-2030 xe xăng vẫn còn thịnh hành nên VinFast sẽ có 2 hướng đi đồng thời: Với xe xăng sẽ đi từ phân khúc cao xuống, với xe điện sẽ đi từ thấp lên.

Về vốn cho dự án, tuy không nói rõ về VinFast nhưng ông Vượng cho rằng vốn thì phải đi vay, làm kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro và phải đi vay vốn. Chủ tịch VinGroup cũng cho biết thêm so với trước đây, tập đoàn này hiện huy động vốn thuận lợi hơn cả trong và ngoài nước. Trong một cuộc trao đổi với Forbes châu Á, ông Vượng cũng từng kỳ vọng VinFast sẽ huy động được 1,5 tỷ USD, vượt qua thỏa thuận vay 800 USD với Credit Suisse.

Nhắc thêm về VinFast, dự án này được khởi công vào tháng 9 năm 2017 với khát vọng một ô tô thương hiệu Việt tiêu chuẩn quốc tế. Theo kế hoạch của Vingroup, giai đoạn đầu, Tập đoàn này sản xuất 100.000 - 200.000 xe/năm. Đến 2025, công suất xe VinFast được nâng lên 500.000 chiếc. Cùng với đó Trường Hải (Thaco) tuyên bố tăng công suất lắp ráp thêm hàng trăm ngàn xe/năm từ 2018. Với công suất đó, ô tô của doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu hàng chục triệu xe của thị trường trong nước.

Lãnh đạo Tập đoàn VinGroup cũng từng khẳng định xe thương hiệu Việt nhưng công nghệ Âu, Mỹ và chất lượng cũng theo tiêu chuẩn quốc tế. "Ô tô là sản phẩm cực kỳ phức tạp nên đội ngũ nhân lực, lực lượng tư vấn hàng đầu thế giới về kỹ thuật và thiết kế, dây chuyền sản xuất cũng như công nghệ được đầu tư cho VinFast đã được chuẩn công phu. Hiện tại, chúng tôi đã quy tụ được nhiều chuyên gia công nghệ và sản xuất ô tô đầu ngành như BMW, General Motors, Bosch,…đầu quân về VinFast", Phó Chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang từng chia sẻ.

Về nhân sự cao cấp, ngay trong tháng 9 Tập đoàn Vingroup đã bổ nhiệm ông Võ Quang Huệ, cựu CEO Bosch Việt Nam là người am hiểu về ngành ô tô. Ngay sau đó, VinGroup tiếp tục bổ nhiệm ông James B.DeLuca - cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors làm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VinFast.

Ông James B.Deluca gắn bó với General Motors từ ngày còn là sinh viên. Ông được đánh giá là am hiểu từng chi tiết trong quy trình sản xuất một chiếc ô tô và từ khâu nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật công nghệ, sản xuất, lắp ráp đến bảo trì xe. Không những vậy, ông còn dày dạn kinh nghiệm trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Ông James B.Deluca được kỳ vọng sẽ đem 37 năm kinh nghiệm tại GM của mình để xây dựng, vận hành và phát triển riêng cho mảng sản xuất ô tô (không bao gồm sản xuất xe máy điện) của Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.

"Chúng tôi khát vọng xây dựng xe ô tô thương hiệu Việt có thể cạnh tranh trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam", ông Vượng từng chia sẻ về khát vọng xe ô tô Việt với Forbes châu Á hồi tháng 11 năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mô hình “5 hóa” của tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO