Doanh nghiệp

Mở rộng dịch vụ thanh toán trên nền tảng ETC là yêu cầu của doanh nghiệp

Thy Hằng 02/09/2024 05:44

Nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng ETC như: thu phí tại cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe…

Điểm đáng chú ý tại Dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ GTVT đề xuất cho phép mở rộng ra các dịch vụ thanh toán khác như sân bay, bến cảng, bãi đỗ xe... trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) hiện nay.

eq8zcglgb7mw9p4zuzdt458rtsenx7gagx1lfy0z-1722493884537183452345720240801144125.7675900.jpg
Bộ GTVT đề xuất cho phép mở rộng ra các dịch vụ thanh toán khác như sân bay, bến cảng, bãi đỗ xe... trên nền tảng ETC.

Theo Bộ GTVT, thực hiện Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thu phí điện tử không dừng đã được triển khai có hiệu quả tại các trạm thu phí trong cả nước. 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ. Từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Tuy vậy, hệ thống thu phí điện tử không dừng mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản thu phí và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

Khẳng định việc ứng dụng giao thông thông minh đang là xu thế chung của thế giới, Bộ GTVT cho biết: “Nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định”.

Khi đó, người dân, chủ phương tiện chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí. Đồng thời góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tĩnh còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bãi đỗ xe…

Cùng với đó, việc mở rộng thêm các dịch vụ mới cũng tận dụng nền tảng, hệ thống ETC sẵn có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả của các dự án thu phí điện tử không dừng, cũng như phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.

Tuy nhiên, Quyết định 19 chỉ cho phép tài khoản thu phí chỉ cho phép thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí đường bộ, không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác.

thu-phi-etc-3827-lefq.jpg
Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới cũng tận dụng nền tảng, hệ thống ETC sẵn có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội.

Thêm nữa, việc thanh toán phí sử dụng đường bộ qua tài khoản thu phí là một loại dịch vụ thanh toán điện tử đặc thù chỉ phục vụ thu phí đường bộ nên không thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng nhà nước. Trường hợp mở rộng dịch vụ thanh toán cần thiết phải có tham gia quản lý của Ngân hàng nhà nước tương tự như các hình thức thanh toán điện tử khác.

Từ phân tích trên, Bộ GTVT khẳng định, việc xây dựng và ban hành nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ là cần thiết.

Dẫn quy định tại Luật Đường bộ về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ GTVT cho biết, đây là hình thức thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.

Như vậy, quy định mở rộng dịch vụ thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện khi thanh toán các dịch vụ liên quan đến hoạt động của phương tiện là một trong những điểm mới nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận: “Việc mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí điện tử không dừng”.

Người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ. Qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.

Từ phía doanh nghiệp, đại diện VETC và VDTC, hai đơn vị đang triển khai cung cấp dịch vụ thu phí ETC trên các tuyến cao tốc, đồng thời cũng cung cấp dịch vụ thu phí trông giữ phương tiện tại Hà Nội, cho biết, việc thí điểm triển khai thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ ngày 15/4 đến nay cho thấy mang lại nhiều tiện ích từ dịch vụ này.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc là Quyết định 19/2020/QĐ-TTg về thu phí không dừng chỉ áp dụng trên cao tốc nên các xe ô tô dù có tài khoản ETC vẫn chưa thể trừ phí tự động khi gửi xe thông qua thẻ dán trên kính ô tô mà phải thêm một lần thao tác trên tài khoản ePass/VETC hoặc quét mã QRcode.

Nếu vướng mắc này sớm được tháo gỡ thì trước mắt việc thu phí trông giữ phương tiện trên nền tảng ETC sẽ thuận tiện hơn. Đồng thời, sau này có thể mở rộng thêm việc thanh toán đối với dịch vụ giao thông khác. Như vậy, chủ xe sẽ chỉ cần sử dụng tài khoản giao thông ETC đã có để chi trả cho nhiều dịch vụ thay vì chỉ dùng để thanh toán phí đường bộ như hiện tại.

Hơn nữa, việc mở rộng dịch vụ trên nền tảng ETC sẽ tận dụng hệ thống sẵn có, không phải đầu tư mới giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả của các dự án đã đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở rộng dịch vụ thanh toán trên nền tảng ETC là yêu cầu của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO