Doanh nghiệp

Mở rộng không gian kinh tế số

Hạnh Lê 11/01/2025 02:04

Từ quý I/2025, phát triển kinh tế số tại Việt Nam được tập trung các ngành, lĩnh vực trọng điểm và sau đó mở rộng ra nhiều ngành nghề khác trong năm.

kte so 2

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước được dự báo tiếp tục gặp thách thức, phát triển kinh tế số sẽ tạo cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt các mục tiêu tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.

Tích hợp chuyển đổi số

Theo đánh giá của ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và và Truyền thông), kinh tế số Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trên GDP của Việt Nam đạt 18,3%.

Trong đó, doanh thu lớn nhất đến từ công nghiệp ICT với khoảng 150 tỷ USD. Ngoài ra, ở năm thứ 5 thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều ngành, lĩnh vực đang gia tăng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế số. Đứng đầu là thương mại điện tử chiếm khoảng 17% tổng tỷ trọng kinh tế số cả nước; tiếp đến là nội dung số; tài chính, ngân hàng.

Kinh tế số Việt Nam đạt tốc độ và giá trị tăng trưởng cao hơn nếu khai thác hiệu quả hơn các dư địa và tiềm năng từ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. “Theo Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 – 2025, Việt Nam xác định không gian tăng trưởng chủ yếu là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực.

Có 2 hướng được tập trung là kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp SMEs và kích cầu cho kinh tế số thông qua tiêu dùng số. Căn cứ trên tốc độ phát triển và những đóng góp của các ngành, lĩnh vực trong sự phát triển kinh tế xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 5 nhóm ngành, lĩnh vực trọng điểm phát triển kinh tế số là thương mại bán buôn bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; logistics; nông nghiệp và du lịch. Tích hợp chuyển đổi số trong các lĩnh vực này không chỉ góp phần khơi thông nguồn lực mà còn giải quyết một số điểm nghẽn, mở đường cho tăng trưởng bền vững”, ông Trần Minh Tuấn cho biết.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, ông Trần Minh Tuấn cho biết, thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đang chiếm 30% tỷ trọng trong kinh tế số các ngành, lĩnh vực. Đây là không gian lớn nhất để các địa phương không có thế mạnh về công nghệ thông tin có thể tăng tỷ trọng kinh tế số trên GRDP. Với ngành logistics góp phần hoá giải điểm nghẽn về chi phí đang mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn so với mức bình quân chung của thế giới là 10,6%, qua đó nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.

Tương tự như vậy, thực hiện phát triển kinh tế số nông nghiệp vừa giải quyết tình trạng được mùa, mất giá, vừa giảm phát thải khí nhà kính… Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhóm ngành, lĩnh vực trên và thực hiện thí điểm tại một số địa phương, sau đó triển khai nhân rộng.

Mở đường cho tăng trưởng

Nhà máy Orion Food Vina với 20 năm tuổi tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương đã thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế bằng nền tảng công nghệ số do đối tác Việt Nam cung ứng. Sau gần nửa năm triển khai, hiệu quả đã được đong đếm bằng những con số cụ thể, như công suất sản xuất tăng 30%, đồng thời giảm 68% thời gian dừng máy, 50% chi phí chất lượng… từ đó giảm chi phí năng lượng, sản phẩm lỗi, nhân công với số tiền quy đổi khá lớn.

Đạt được những kết quả này, ngoài những chuyển biến trong nhận thức và nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, việc cải thiện hạ tầng công nghệ đóng vai trò quan trọng; chất lượng kết nối quyết định thành công của kinh tế số. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu tại không ít địa phương hiện nay.

Ông Phạm Minh Hoàn - Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số (Đại học Kinh tế quốc dân) lấy ví dụ từ Hà Nội. Dù thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, khoa học dữ liệu và có chỉ số phát triển kinh tế lõi khá tốt, song cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội vẫn chưa đồng đều về hạ tầng kỹ thuật giữa các tổ chức, doanh nghiệp; thiếu các giải pháp xử lý rác thải công nghiệp phát sinh từ thúc đẩy kinh tế số.

Ngoài ra, trên cả nước mới có khoảng 30/63 tỉnh, thành xây dựng sàn thương mại điện tử giới thiệu và quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP… Để cải thiện hạ tầng số, tăng tốc thúc đẩy kinh tế số, ông Trần Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường tập trung vào chất lượng kết nối với yêu cầu tốc độ tối thiểu của băng rộng di động là 40 Mbps/giây và băng rộng cố định là 100 Mbps/giây. Các doanh nghiệp cung cấp không đảm bảo chất lượng mạng lưới phải nâng cấp.

Tại một số địa phương chưa được phủ sóng internet và 4G sẽ có phương án sử dụng điện mặt trời hoặc sử dụng dịch vụ internet vệ tinh Starlink bảo đảm kết nối mạng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá doanh nghiệp trên địa bàn và phối hợp các bộ, ngành, doanh nghiệp công nghiệp số tư vấn, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh với hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở rộng không gian kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO