Mỹ Latinh đang trở thành khu vực thị trường hấp dẫn của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2017 – 2021 tại Quyết định số 483/QĐ-TTg ngày 13/4/2017, trong đó xác định mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông – thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 06/11/2018
04:17, 04/11/2018
03:50, 16/10/2018
Với vị thế kinh tế và chính trị của khu vực ngày càng cao trên trường quốc tế và chủ trương mở rộng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Mỹ Latinh đang trở thành khu vực thị trường hấp dẫn của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương với khu vực Mỹ Latinh đang là một điểm sáng, đặc biệt là việc đạt thặng dư thương mại trong 3 năm trở lại đây sau nhiều năm chủ yếu nhập siêu từ khu vực này.
Mỹ Latinh hiện nay và trong tương lai là nơi cung cấp cho Việt Nam các loại nguyên liệu và thành phẩm với giá cả khá cạnh tranh phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và các nhu cầu thiết yếu trong nước như: gỗ rừng trồng, bột giấy, da nguyên liệu, bột đậu tương và khô đậu tương, bột cá để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá, đồng nguyên liệu, phôi thép, thép lá, bông, hạt điều thô, lá thuốc lá, linh kiện ô tô, lúa mì và ngô.
Quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ Latinh cho đến nay còn rất khiêm tốn cho dù tiềm năng là lớn. Đến nay, Việt Nam mới ký năm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước Venezuela, Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Cuba và U-ru-goay. Kể từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã triển khai một số dự án đầu tư quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và nông nghiệp ở một số nước trong khu vực.
Xét về tiềm năng và nhu cầu, các doanh nghiệp của khu vực Mỹ Latinh có nhiều quan tâm hợp tác và đầu tư công nghệ tại các khu công nghiệp tại Việt Nam để sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và có thể sử dụng nguyên liệu tại chỗ để xuất sang các nước thứ ba như may mặc, giầy dép, chế biến thực phẩm hay linh kiện điện tử.
Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, trồng rừng, dịch vụ, khai mỏ và luyện kim, là những lĩnh vực thế mạnh của khu vực Mỹ Latinh với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ Latinh là sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức với mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp thông tin thị trường, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, chính sách thương mại – đầu tư của các nước khu vực Mỹ Latinh; Đưa ra các khuyến nghị và giải pháp để doanh nghiệp có định hướng, kế hoạch xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp; Thúc đẩy hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương, thiết lập quan hệ bạn hàng. Diễn đàn cũng tạo kênh đối thoại, tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu mở rộng thị trường sang khu vực Mỹ Latinh, từ đó xây dựng chính sách và định hướng phát triển thương mại - đầu tư phù hợp.
Diễn đàn với sự tham gia của các Bộ, ngành, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp từ Việt Nam và Mỹ Latinh, sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương trong quá trình diễn ra sự kiện. Diễn đàn có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PVGAS), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).