Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị xây dựng cơ chế tài chính tự chủ, chính sách đãi ngộ linh hoạt, đề xuất bỏ giới hạn "trần lương" nhằm thu hút nhân tài người Việt ở nước ngoài trở về cống hiến.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI (diễn ra tại Hà Nội, ngày 19/7/2025), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra một loạt kiến nghị sâu sắc, thực tiễn và mang tinh thần cải cách mạnh mẽ trong phiên chuyên đề “Thích ứng bền vững trước các thách thức của thời đại biến đổi toàn cầu”.
Trong đó, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề xuất nổi bật về cơ chế tự chủ tài chính và đãi ngộ linh hoạt, không giới hạn “trần lương” để thu hút nhân tài trở về nước làm việc là điểm nhấn đặc biệt, được xem là một lời “giải mã” cho bài toán dài hạn: Làm sao để không đánh mất chất xám Việt Nam trên bản đồ toàn cầu?
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cam kết về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa nguồn lực. Lời đề xuất của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng như một “cú hích” vào những rào cản mang tính hệ thống đã tồn tại nhiều năm: giới hạn đãi ngộ nhân tài, tư duy cào bằng trong khu vực công và chưa có cơ chế rõ ràng để sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức Việt kiều.
Không ít trí thức người Việt đang làm việc tại các trung tâm khoa học lớn trên thế giới, từ châu Âu, Hoa Kỳ cho tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Có người giữ chức danh giáo sư, lãnh đạo viện nghiên cứu, hoặc sáng lập các startup công nghệ tiên tiến. Nhưng để họ quay về hoặc kết nối lâu dài với Việt Nam không thể chỉ dựa vào tình cảm yêu nước, mà cần môi trường làm việc cạnh tranh, cơ sở vật chất hiện đại, cơ chế sử dụng minh bạch và đặc biệt là chính sách đãi ngộ không cào bằng, không “trần lương”.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao một giáo sư ở Mỹ có thể nhận mức lương 10.000 - 15.000 USD/tháng, còn khi về Việt Nam lại bị gắn trần lương vài chục triệu đồng? Với mức thu nhập như vậy, làm sao chúng ta giữ được nhân tài, chưa nói đến cạnh tranh với khu vực tư nhân hay quốc tế?
Chúng ta từng bàn nhiều đến việc “thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài”, nhưng nếu không có cơ chế cụ thể, mọi lời mời gọi sẽ chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã chỉ rõ điểm then chốt: phải có cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự, không bó buộc quỹ lương, đồng thời đầu tư mạnh vào các trường đại học công lập, hệ thống phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu hiện đại.
Bà cũng đưa ra gợi ý: cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh, đánh giá dựa trên năng lực, không phân biệt công - tư. Điều này vừa phản ánh tư duy thị trường hiện đại, vừa đặt đúng vai trò của trí thức trong mô hình kinh tế tri thức - nơi chất lượng nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển.
Một điểm sáng nữa trong phát biểu của bà Hằng là kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức Việt toàn cầu, nhằm kết nối, chia sẻ đề xuất, dự án nghiên cứu giữa đội ngũ trí thức Việt kiều và các bộ ngành trong nước. Đây là bước đi cần thiết để hình thành “hệ sinh thái đóng góp”, thay vì những tương tác rời rạc như trước đây.
Tại Diễn đàn, những chia sẻ từ các đại biểu trí thức trẻ cũng phần nào chứng minh: không thiếu khát vọng cống hiến, chỉ thiếu cơ chế thực thi. Tiến sĩ Đinh Vũ Ngọc Cường, nghiên cứu về khoa học vật liệu tại Việt Nam mong muốn quy trình cấp bằng sáng chế nhanh gọn để sáng kiến không nằm trong ngăn kéo. Anh Nguyễn Phước Lập, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đề xuất quỹ nghiên cứu dành riêng cho giảng viên trẻ từ nước ngoài về. Còn anh Đỗ Đức Tôn, công tác tại Kazakhstan mong muốn giảm bớt thủ tục hành chính khi hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong nước.
Tất cả đều đang nói lên một điều: Muốn gọi được người tài, hãy bắt đầu từ việc dọn dẹp các rào cản về thể chế và minh bạch hóa cơ chế đóng góp.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, nơi lâu nay vẫn chịu trách nhiệm lớn trong đổi mới sáng tạo, đề xuất "mở trần lương" và tự chủ đãi ngộ hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển. Rất nhiều tập đoàn công nghệ tư nhân tại Việt Nam đang dẫn đầu cuộc đua chuyển đổi số và phát triển công nghệ cao nhờ vào chiến lược “săn chất xám” khéo léo, trả lương theo hiệu quả và để người tài có không gian thể hiện. Vậy tại sao khối nhà nước không thể đi theo hướng đó?
Có thể thấy, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng không chỉ nói về một giải pháp, bà đang nêu lên một hướng đi mới cho chính sách nhân lực quốc gia, ở thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cấp chuỗi giá trị và khát khao vươn lên thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Thế giới cạnh tranh nhân tài ngày càng khốc liệt. Việc chậm chân trong cải cách cơ chế đãi ngộ có thể khiến Việt Nam “chảy máu chất xám” nhiều hơn trong thập kỷ tới. Ngược lại, nếu biết nắm bắt thời cơ, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, linh hoạt, chúng ta hoàn toàn có thể “gọi vốn” thành công từ lực lượng trí thức Việt kiều khổng lồ đang hiện diện ở hơn 100 quốc gia.
Trong bối cảnh cần bứt phá về năng lực nội sinh, việc coi nhân tài là một “nguồn lực chiến lược”, thay vì chỉ là “đối tượng kêu gọi”, chính là tư duy cần được lan tỏa đến các bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc. Bởi thu hút nhân tài không thể chỉ dựa vào… lòng yêu nước. Đó phải là một chiến lược toàn diện - có thể chế, có đầu tư và có niềm tin.